Việt Nam cần gì để chủ động tham gia thị trường carbon?

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường carbon đang trở thành một xu hướng toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi này. Để tận dụng cơ hội và đối mặt với thách thức, việc hoàn thiện khung pháp lý và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là những yếu tố quyết định.

Cần hoàn thiện khung pháp lý để tham gia thị trường carbon.
Cần hoàn thiện khung pháp lý để tham gia thị trường carbon.

Khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý

Việt Nam đang tích cực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho thị trường carbon. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, nhằm bổ sung và điều chỉnh các quy định liên quan đến giao dịch tín chỉ carbon.

Đối với nhóm các quy định về tổ chức thị trường các-bon, quản lý tín chỉ carbon trong nước. Cụ thể, sẽ tập trung hướng việc quy định rõ đối tượng tham gia trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, đối tượng tham gia trao đổi tín chỉ các-bon; Bổ sung nội dung về Hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon phục vụ cho công tác quản lý nhà nước; Quy định chi tiết hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; Quy định cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước bao gồm: công nhận phương pháp luận, phê duyệt dự án, cấp tín chỉ các-bon.

Còn với nhóm các quy định về trao đổi tín chỉ carbon quốc tế. Bao gồm: Bổ sung phụ lục danh mục biện pháp, hoạt động khuyến khích thực hiện giảm phát thải hợp tác song phương, căn cứ dựa trên các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính có hỗ trợ của quốc tế trong đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam; Bổ sung quy định Bộ TN&MT có trách nhiệm cấp văn bản chấp thuận chuyển giao tín chỉ carbon quốc tế trên cơ sở đề nghị của cơ quan chủ quản dự án và phải có ý kiến của Bộ quản lý lĩnh vực, cơ quan có liên quan gắn với việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia. Trường hợp không được cấp Thư chấp thuận, kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon chỉ được sử dụng cho mục tiêu NDC của Việt Nam, không đóng góp vào mục tiêu NDC của quốc gia khác và mục tiêu giảm nhẹ phát thải quốc tế khác.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Đề án này sẽ cụ thể hóa các quy định về tổ chức thị trường carbon, bao gồm cả việc quản lý tín chỉ carbon. Đây là một bước tiến quan trọng, giúp tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực thi và quản lý thị trường này, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Thị trường carbon nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức.
Thị trường carbon nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức.

Đầu tư vào nhân lực

Khi thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ sang nền kinh tế xanh, nhu cầu về nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực giảm phát thải carbon ngày càng trở nên cấp thiết. Điều này đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam trong việc đào tạo và phát triển một đội ngũ chuyên gia đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường carbon, một lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng không kém phần phức tạp.

Theo Tiến sĩ khoa học môi trường Lê Hoàng Thế - Giám đốc Công ty Hệ sinh thái The Vos, trước mắt Việt Nam cần đào tạo khoảng 150.000 lao động chuyên nghiệp. Lực lượng này được trang bị kiến thức để hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon. Trong đó, đào tạo thẩm định viên carbon có chuyên môn và chứng nhận quốc tế là một mắt xích quan trọng, giúp Việt Nam vận hành thị trường tín chỉ carbon.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần được trang bị kiến thức về cơ chế thị trường carbon quốc tế, bao gồm cả thị trường tín chỉ tự nguyện và bắt buộc. Điều này không chỉ giúp họ hiểu rõ hơn về cách thức vận hành của thị trường mà còn chuẩn bị tốt hơn cho việc tham gia vào thị trường này. Việc tham gia vào các mạng lưới và chương trình đào tạo của các tổ chức quốc tế như Ecosystem Marketplace và Sustainable Development Solutions Network (SDSN) sẽ mang lại nhiều lợi ích, từ việc nâng cao kiến thức cho đến việc thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược.

Việc này không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận với những kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến mà còn mở ra cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh một cách bền vững và hiệu quả. 

Để giải bài toán về nhân lực chất lượng cao cho thị trường carbon tại Việt Nam, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các trường đại học, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp. Đặc biệt, việc tham gia vào các mạng lưới và chương trình đào tạo quốc tế cũng là một cách hiệu quả để nâng cao năng lực của nguồn nhân lực trong nước.

 

Chiến lược Net Zero 2050 được xem như một trọng tâm phát triển của Việt Nam, trong bối cảnh hiệu ứng nhà kính làm biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng trên toàn cầu. Việt Nam đã đưa ra cam kết mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó nhấn mạnh chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 và chấm dứt sản xuất điện than vào năm 2040. Theo kế hoạch, từ năm 2025, Việt Nam sẽ thành lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon; từ 2028 sẽ đưa vào vận hành chính thức và kết nối, trao dổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường tín chỉ carbon khu vực và thế giới.