Việt Nam cần xây dựng một nghị trình cải cách để hành động

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Phải xây dựng một nghị trình cải cách để thực hiện hành động trong 1 thập kỉ tới, các diễn giả khuyến nghị tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển (VRDF) 2019 thường niên lần thứ 2, với chủ đề "Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động" khai mạc sáng nay 19/9/2019 tại Hà Nội.

VRDF mang tầm quốc tế với sự hiện diện của một số đại biểu đến từ các quốc gia, trong đó, có các quốc gia đang phát triển. Nội dung bao trùm về các vấn đề cải cách thể chế kinh tế thị trường, đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong thời đại CMCN 4.0 và ưu tiên hành động vì một Việt Nam thịnh vượng.
 
Là cơ quan đầu mối tổ chức Diễn đàn cải cách và phát triển, Bộ KH&ĐT cho rằng để chủ động trong những biến động của kinh tế thế giới, cải cách và phát triển của Việt nam cũng phải cập nhật và nắm bắt xu hướng phát triển của thế giới.
“Việt Nam chuẩn bị kết thúc Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm lần thứ ba của mình cho thời kỳ 2011-2020 để bước sang một thập kỷ, kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội phát triển mới đi liền với nhiều thách thức lớn. Vì vậy, đây cũng là thời điểm đặt ra nhiệm vụ cải cách mạnh mẽ hơn nữa để hội nhập phát triển”- Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức, năng suất lao động chưa cao, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và các ngành vẫn hạn chế, nền kinh tế thị trường chưa hoàn thiện. Thế giới cạnh tranh kinh tế, thương mại toàn cầu, CMCN 4.0 làm thay đổi, các hình thái kinh tế với sự xuất hiện của nhiều mô hình kinh tế mới, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn… đòi hỏi các nước phải nhanh nhạy. Bối cảnh đó vượt qua bẫy thu nhập trung bình đã là khó khăn và việc hiện thực hoá khát vọng thịnh vượng còn khó khăn hơn nhiều. 
VRDF 2019 được lựa chọn mang tính bao trùm hơn, cụ thể bao gồm cả các vấn đề về cải cách thể chế kinh tế thị trường, đổi mới sáng tạo trong thời đại CMCN 4.0 và ưu tiên hành động vì một Việt Nam thịnh vượng. Theo Bộ trưởng KH&ĐT, các hàm ý, khuyến nghị chính sách từ VRDF sẽ được tiếp thu, nghiên cứu, tạo đầu vào thông tin cho việc xây dựng nội dung Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2025.
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đánh giá, nền kinh tế Việt Nam hướng tới thập kỉ mới nhìn thấy nhiều cơ hội nhưng cũng đầy rủi ro khi cẳng thẳng thương mại gia tăng, những thay đổi của công nghệ diễn ra nhanh chưa từng thấy, khi Việt Nam vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại toàn cầu. Việt Nam cũng phải đối mặt với già hoá nhanh, khả năng xảy ra giảm năng suất… Do đó, Việt Nam phải có những hành động ưu tiên được xác định rõ ràng và đặt vào bối cảnh để có thể thực hiện thành công. “Phải xây dựng một nghị trình cải cách để thực hiện hành động trong 1 thập kỉ tới”- ông Ousmane Dione khuyến nghị.