Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Việt Nam chủ động tham gia các nỗ lực của cộng đồng Pháp ngữ

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên tạp chí Influences nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19.

Ngày 4/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Sân bay Orly, thủ đô Paris, Pháp, bắt đầu các hoạt động tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3-7/10 theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron.

Báo Kinh tế & Đô thị xin trân trọng đăng tải bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên tạp chí Influences nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19: 

Ý tưởng về một không gian kinh tế Pháp ngữ đã ra đời tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ VII tại Hà Nội từ ngày 14 - 16/11/1997 - Hội nghị cấp cao đầu tiên được tổ chức tại khu vực Châu Á –Thái Bình Dương. Cùng với việc thông qua Hiến chương Pháp ngữ, Hội nghị này đã đánh dấu một bước chuyển quan trọng của Pháp ngữ từ khuôn khổ hợp tác về văn hóa thông qua ngôn ngữ chung là tiếng Pháp sang hợp tác toàn diện cả về chính trị và kinh tế.

Quan hệ Pháp - Việt đạt được nhiều tín hiệu tích cực trên mọi lĩnh vực. Ảnh: Vietnam Briefing.

Không gian Pháp ngữ, với dân số khoảng 1,2 tỷ người, chiếm 16% GDP và 20% thương mại toàn cầu, là một mảnh đất đầy tiềm năng cho hợp tác kinh tế. Là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng Pháp ngữ, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ và chủ động tham gia các nỗ lực của Pháp ngữ nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, vì sự phồn vinh và phát triển bền vững của các thành viên.

Năm 2023, với quy mô GDP khoảng 430 tỷ USD, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 34 trên thế giới. Từ một nước thiếu lương thực, đến nay, Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu gạo và nông sản hàng đầu thế giới. Việt Nam cũng nằm trong số những nền kinh tế mở nhất thế giới, với kim ngạch thương mại hơn 735 tỷ USD, tham gia 16 FTA với hầu hết các đối tác lớn trên thế giới... Tuy nhiên, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên của Pháp ngữ còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và thế giới. Đầu tư của các nước Pháp ngữ đến Việt Nam và từ Việt Nam đến các nước Pháp ngữ cũng chưa tương xứng với tiềm năng, trong khi nền kinh tế của chúng ta hoàn toàn có thể bổ trợ cho nhau trong chuỗi cung toàn cầu.

Do đó, phát huy những tiềm năng to lớn về hợp tác kinh tế với các nước trong cộng đồng Pháp ngữ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong hợp tác Pháp ngữ những năm tới đây.

Với những thành quả tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đang cùng một số thành viên Pháp ngữ châu Phi, triển khai hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên một cách hiệu quả. Hợp tác trong lĩnh vực này cần được thúc đẩy hơn nữa, nhất là với sự tham gia của các quốc gia phát triển trong Pháp ngữ. Hợp tác về nông nghiệp sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, thực hiện hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững  trong không gian Pháp ngữ.

Cùng với đó, chúng ta cần khai thác thêm tiềm năng hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc Pháp tổ chức Diễn đàn FrancoTech bên lề Hội nghị Cấp cao là một sáng kiến thiết thực và hữu ích. Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, Pháp ngữ cần tạo cơ hội để các quốc gia, các doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu chia sẻ thông tin, thúc đẩy hợp tác về các công nghệ mới và tiên phong, trong đó có trí tuệ nhân tạo và tự động hóa. Chúng tôi mong muốn các thành viên phát triển Pháp ngữ hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là về các ngành công nghệ mới nổi.

Để thúc đẩy hợp tác kinh tế Pháp ngữ, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ cần phát huy hơn nữa vai trò trong thúc đẩy các chiến lược, dự án, chương trình hợp tác kinh tế Pháp ngữ. Bên cạnh đó, Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp ngữ là cầu nối thúc đẩy các hoạt động hợp tác, kinh doanh giữa các doanh nghiệp Pháp ngữ, tăng cường hơn nữa thương mại, đầu tư giữa các thành viên Pháp ngữ.

Những nhiệm vụ trên cần được thực hiện đồng thời với việc tiếp tục thúc đẩy phổ biến, giảng dạy tiếng Pháp. Tiếng Pháp cần phải trở thành ngôn ngữ của kinh doanh, sáng tạo, tri thức, đổi mới và khởi nghiệp. Đó chính là điều bảo đảm cho sự sống động và tính gắn kết của ngôn ngữ tuyệt vời này.

Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế Pháp ngữ cũng như đóng góp vào các nỗ lực chung của Pháp ngữ vì hòa bình, hợp tác, đoàn kết và phát triển bền vững trong không gian Pháp ngữ.

 

 

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Đối ngoại Nhân dân góp phần mang Hà Nội đến gần hơn với bạn bè quốc tế

Đối ngoại Nhân dân góp phần mang Hà Nội đến gần hơn với bạn bè quốc tế

04 Jul, 08:00 PM

Kinhtedothi - Trong 6 tháng đầu năm 2025, nhiều hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội cùng các đơn vị thành viên tổ chức thành công, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế, có sức lan tỏa tới đông đảo Nhân dân Thủ đô.

Cùng "viết câu chuyện hòa bình" với Trại hè Việt Nam 2025

Cùng "viết câu chuyện hòa bình" với Trại hè Việt Nam 2025

03 Jul, 07:26 PM

Kinhtedothi - Trại hè Việt Nam là chương trình thường niên do Ủy ban chủ trì tổ chức dành cho thanh niên, sinh viên người Việt Nam ở nước ngoài. Chương trình nhằm giúp thế hệ trẻ kiều bào tìm hiểu về đất nước, giao lưu với thanh niên trong nước, gắn kết cộng đồng và nuôi dưỡng tình yêu quê hương.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ