Ngày 3/11, trả lời câu hỏi của phóng viên về tuyên bố mới đây của Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, cho rằng Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng từ thỏa thuận ngũ cốc trên Biển Đen bị gián đoạn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, coi đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước.
"Theo thống kê, Việt Nam sản xuất được 41 - 43 triệu tấn lúa gạo và 6,5 triệu tấn thịt các loại, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước," bà Hằng khẳng định.
Đồng thời, với vai trò là một quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu trên thế giới, Việt Nam cũng có đóng góp rất quan trọng vào các nỗ lực chung về các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu, theo Người Phát ngôn Bộ ngoại giao.
Cũng theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đã đạt khoảng 82,1 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Là thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề bảo đảm an ninh lương thực và mong các quốc gia tăng cường hợp tác quốc tế, tham gia có trách nhiệm vào xử lý vấn đề này," bà Hằng nhấn mạnh.
Nga hôm 29/10 tuyên bố đình chỉ thực thi "Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen" - thỏa thuận đạt được với Ukraine hồi tháng 7 với cáo buộc Ukraine tập kích cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea và đe dọa các chiến hạm thuộc Hạm đội Biển Đen tham gia đảm bảo an ninh hành lang ngũ cốc.
Hôm 2/11 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận Moscow tiếp tục tham gia thỏa thuận này sau khi Kiev "đảm bảo đầy đủ" phi quân sự hóa hàng lang vận chuyển trên biển. Thỏa thuận này được cho là đã giúp xuất khẩu 9 triệu tấn ngũ cốc từ Ukraine và góp phần làm giảm giá lương thực toàn cầu, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.