Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam có nhiều tiến bộ giảm nghèo đa chiều

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 17/10, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) chia sẻ Cập nhật số liệu phát triển con người và xóa đói giảm nghèo: Tiến bộ đạt được và thách thức đối với Việt Nam - quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp.

Ảnh minh họa
Bà Caitlin Wiesen - Giám đốc UNDP cho rằng, Việt Nam có thể tự hào về tiến bộ đạt được trong giảm nghèo đa chiều, giúp 6 triệu người thoát nghèo trong 4 năm, từ năm 2012 - 2016, theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Số liệu thống kê nghèo đa chiều toàn cầu năm 2018 cho thấy, chỉ số nghèo đa chiều của Việt Nam là 0,0197 và đứng thứ 31 trong tổng số 105 nước. Tỷ lệ nghèo đa chiều của Việt Nam là 5%, cao hơn hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương (TBD), chỉ sau Thái Lan (0,79%) và Trung Quốc (4.02%).
Mặc dù Việt Nam có nhiều tiến bộ trong giảm nghèo đa chiều ở cấp quốc gia nhưng vẫn còn chênh lệch lớn giữa các vùng miền và nhóm dân cư. Tỉ lệ nghèo đa chiều ở đô thị là 2,1% trong khi nông thôn 6,45%. Vùng núi phía Bắc, đồng bằng sông Mekong có tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất với 9,6%, sau đó là Tây Nguyên 9,4 và có sự chênh lệch giữa các nhóm dân cư (người Kinh 6,4%, người H’ mong 76,2%, người Dao 37,5% và người Khmer 24%).
Số liệu cũng chỉ ra, chỉ số phát triển con người của Việt Nam thuộc nhóm Trung bình cao. Với chỉ số 0,694 trong năm 2017, Việt Nam đứng thứ 116 trong tổng số 189 nước. Việt Nam chỉ cần đạt thêm 0,006 điểm để nâng hạng lên mức Phát triển con người cao. Trong chỉ số phát triển con người, Việt Nam thực hiện tốt ở lĩnh vực Y tế và Giáo dục nhưng tăng trưởng chậm về thu nhập.