Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam: Có thể tê giác một sừng chưa bị tuyệt chủng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cách đây khoảng hơn 10 năm, có thông tin kiểm lâm phát hiện một bộ xương của con tê giác một sừng. Như vậy, thực tế đến nay mới phát hiện tổng số 2 bộ xương của loài động vật quý hiếm nhất trên thế giới này ở Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Cho dù Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tuyên bố tê giác một sừng đã bị tuyệt chủng, song các nhà khoa học Việt Nam cho rằng, cần có một nghiên cứu, khảo sát toàn diện hơn trước khi khẳng định điều này.

Trao đổi với phóng viên, Giáo sư, tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh (Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch hội Động vật học Việt Nam) cho biết, trước năm 2009, các số liệu trong nước và quốc tế đều cho rằng ở Vườn Quốc gia Cát Tiên còn khoảng 3-5 con tê giác một sừng. Trong đó, có dấu vết của cả con đực, cái và con non.

Đến 2009, WWF điều tra khảo sát tại đây và khẳng định, cá thể cuối cùng đã bị săn bắn để lấy sừng vào cuối năm 2009, xác chết được tìm thấy vào năm 2010.

Giáo sư Huỳnh cho hay, cách đây khoảng hơn 10 năm, có thông tin kiểm lâm phát hiện một bộ xương của con tê giác một sừng. Như vậy, thực tế đến nay mới phát hiện tổng số 2 bộ xương của loài động vật quý hiếm nhất trên thế giới này ở Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Như vậy, một câu hỏi đặt ra là những con tê giác còn lại đã bị “hô biến” như thế nào? Liệu chúng đã bị chết, hay còn lẩn khuất, trốn tránh sự tuyệt chủng sau những cánh rừng của Vườn Quốc gia?

 

Đồng tình quan điểm này, Phó Giáo sư, tiến sĩ Lê Xuân Cảnh (Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) cho biết, công bố của WWF cũng chỉ xuất phát từ một dự án nghiên cứu. Do đó, chưa hẳn nhận định này đã chuẩn và cần phải có thời gian để xem xét.

 

Thực tế, nhóm khảo sát của WWF đã tiến hành ba đợt tìm kiếm kỹ càng trên diện tích 6.500 ha là khu vực lõi phân bổ Tê giác, sau đó mở rộng khảo sát thêm trên diện tích khoảng 3.500 ha, nơi không phát hiện thấy dấu hiệu nào của Tê giác kể từ năm 1993. Tuy nhiên, ông Huỳnh cho biết diện tích của Vườn Quốc gia Cát tiên rất rộng, và động vật hoang dã thường sẽ lẩn trốn khi môi trường sống bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, tê giác một sừng là loài động vật sống ở những vùng đất rất "oái oăm" và không dễ tìm kiếm.

Đánh giá cao sự làm việc nghiêm túc và khoa học của WWF, song ông Huỳnh và ông Cảnh vẫn kỳ vọng về việc vẫn còn những con tê giác còn sót lại và đang lẩn khuất đâu đó.

Họ cho rằng các cơ quan chức năng, mà ở đây là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có đề tài nghiên cứu, khảo sát cụ thể để đưa ra khẳng định cuối cùng về sự tồn tại của tê giác một sừng ở Việt Nam.

"Ở góc độ các nhà khoa học, chúng tôi sẵn sàng tham gia khảo sát để có thể đưa ra những kết luận cuối cùng," ông Cảnh nói.