Việt Nam có thêm 230 mã số vùng trồng sầu riêng Trung Quốc cấp phép

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ tính riêng trong tháng 2/2023, Việt Nam đã có 163 mã số vùng trồng sầu riêng và 67 mã số cơ sở đóng gói vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), toàn bộ mã số mới sầu riêng vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt vào ngày 23/2, trong đó, 3 tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng và Tiền Giang được cấp nhiều mã vùng trồng nhất. Tiền Giang cũng là tỉnh được cấp nhiều mã số cơ sở đóng gói nhất, với tổng cộng 27 mã.

Đóng gói sầu riêng xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Đóng gói sầu riêng xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Như vậy, đến nay, Việt Nam hiện có 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc.

Ngày 7/9/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc lần đầu tiên phê duyệt 51 mã số vùng trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường nước này.

Trước đó, Hải quan Trung Quốc đã cử 25 cán bộ kiểm tra trực tuyến 29 cơ sở đóng gói và hơn 100 mã số vùng trồng sầu riêng, cơ sở đóng gói của Việt Nam để cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Cục Bảo vệ thực vật cũng bố trí 22 cán bộ phối hợp với địa phương để hỗ trợ ngôn ngữ cho các cơ sở đóng gói và vùng trồng sầu riêng trong quá trình kiểm tra.

Sầu riêng là trái cây cho giá trị kinh tế cao. Cục Bảo vệ thực vật đề nghị địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN tăng cường, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, giúp người nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này.

Thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật phổ biến và phân cấp đầy đủ việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đến các cơ quan ở địa phương, đặc biệt là các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hay các Sở NN&PTNT tại địa phương để thực hiện việc này.

Về phía các DN, tổ chức cá nhân, để được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cần phải đáp ứng đầy đủ các quy định của Cục Bảo vệ thực vật đó là kiểm soát tốt dịch hại trên đồng ruộng, cũng như trong quá trình thu hái, bảo quản sản phẩm… Việc này đã được Cục Bảo vệ thực vật tập huấn, hướng dẫn đến các DN.

Toàn bộ quy trình cấp mã số, giám sát mã số, tuân thủ các quy định của hoạt động xuất nhập khẩu đều do cơ quan chức năng địa phương hướng dẫn, quản lý, giám sát và cấp mã số. Các mã số này khi đáp ứng được điều kiện nhập khẩu, Sở NN&PTNT sẽ gửi cho Cục Bảo vệ thực vật. Cục sẽ thẩm duyệt lại và gửi cho phía Hải quan Trung Quốc để phê duyệt.

 

Đọc tiếp