Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam đã khống chế được dịch tả lợn châu Phi

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 1.409 ổ dịch tả lợn Châu Phi. Đây là số liệu mới nhất do Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố.

Quy mô tổng đàn lợn đứng thứ 5 thế giới
Ngày 19/11, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi giai đoạn 2020-2025” và “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2021-2025”.
 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc hội nghị.
Hội nghị được Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ thông qua Cơ quan giảm thiểu rủi ro Hoa Kỳ (DTRA) và Văn phòng Hà Nội thuộc Cục Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (USDA APHIS IS Hà Nội)  Đến dự có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đại diện UBND và các Sở NN&PTNT của nhiều tỉnh, thành từ Đà Nẵng trở vào, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (USDA, DTRA, FAO, USAID…).
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Việt Nam có quy mô tổng đàn lợn đứng thứ 5 trên thế giới. Do đó công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được Bộ NN&PTNT quan tâm tối đa và Cục Thú y là cơ quan tiên phong trong công tác này. Mặc dù thời gian qua thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng ngành thú y đã làm rất tốt chức năng của mình, chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn phát triển, công tác cấy lại đàn sau các dịch bệnh rất khả quan, 11 tỉnh đã tổ chức cấy lại đàn lợn, đến nay đã đạt 26 triệu con.
Tại hội nghị, ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y cho biết, đối với “Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi giai đoạn 2020-2025”, với mục tiêu chủ động giám sát phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP); Bảo đảm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), môi trường và các hoạt động thương mại động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam.
Cụ thể, có trên 90% xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP trong 2 năm đầu thực hiện kế hoạch; trên 95% xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP trong 2 năm tiếp theo và trên 99% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP trong 2 năm cuối thực hiện kế hoạch. Xây dựng thành công ít nhất 500 cơ sở chăn nuôi lợn và 50 chuỗi sản xuất lợn, sản phẩm thịt lợn an toàn bệnh DTLCP, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu lợn, sản phẩm thịt lợn.
Có 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 90% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và 80% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ (theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/1/2020 của Chính phủ) áp dụng các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học. Xây dựng thành công ít nhất 2 phòng thí nghiệm quốc gia đạt an toàn sinh học cấp độ III và 2 cơ sở nuôi động vật sạch bệnh để phục vụ nghiên cứu, sản xuất vắc xin DTLCP và chẩn đoán, xét nghiệm bệnh có nguy cơ lây sang người theo quy định tại Nghị định số 103/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ.
Nghiên cứu các đặc điểm dịch tễ và đặc điểm vi rút gây bệnh DTLCP để có giải pháp phòng, chống phù hợp và hiệu quả; bước đầu nghiên cứu vắc-xin phòng bệnh DTLCP, đáp ứng các yêu cầu về kiểm nghiệm, khảo nghiệm và đăng ký lưu hành theo quy định của pháp luật.
Đã cơ bản kiểm soát được bệnh DTLCP
Đối với “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2021-2025”, mục tiêu của chương trình nhằm kiểm soát hiệu quả bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên cả nước và ngăn chặn sự xâm nhập của các chủng vi rút LMLM mới từ bên ngoài vào Việt Nam; xây dựng thành công các vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) LMLM cấp huyện hoặc vùng liên huyện của một hoặc nhiều tỉnh, thành. Tiến tới xây dựng vùng ATDB cấp tỉnh, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Cụ thể, số lượng ổ dịch LMLM và gia súc mắc bệnh giảm từ 10% - 20% so với trung bình của cả giai đoạn 2016 – 2020. Xây dựng thành công thêm ít nhất 10 vùng ATDB cấp huyện hoặc vùng liên huyện của một hoặc nhiều tỉnh, thành. Xây dựng thành công, duy trì ít nhất 1.000 cơ sở, chuỗi chăn nuôi gia súc ATDB đối với bệnh LMLM. Được tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh LMLM của Việt Nam phù hợp với khuyến cáo của OIE.
Theo báo cáo của Cục Thú y, từ ngày 1/1 đến 17/11, cả nước xảy ra 1.409 ổ DTLCP (gồm 496 ổ dịch xảy ra từ cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020; 27 ổ dịch phát sinh mới và 886 ổ dịch tái phát) tại 307 huyện thuộc 50 tỉnh, thành, tổng số lợn tiêu hủy là 76.905 con (khoảng 3.845 tấn). Đến thời điểm hiện tại, cả nước có 357 xã thuộc 117 huyện của 30 tỉnh, thành có dịch chưa qua 21 ngày, với số lợn tiêu hủy lũy kế là 30.812 con. Bệnh DTLCP cơ bản đã được kiểm soát, thời gian qua dịch bệnh chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Cả nước có 96% số xã không có DTLCP, bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn.
Cục Thú y cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân: Do vi rút có sức đề kháng cao, mầm bệnh đã lưu hành rộng trong quần thể, tồn tại trong môi trường tại các ổ dịch cũ, trong khi bệnh DTLCP chưa có vắc-xin để phòng và thuốc điều trị. Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, trong khi chưa đảm bảo an toàn sinh học. Lợn giống mua về không có nguồn gốc rõ ràng, không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển của cơ quan thú y.
Đến nay Việt Nam đã cơ bản kiểm soát bệnh DTLCP.
Do giá lợn rất cao từ đầu năm đến nay nên người chăn nuôi tập trung tăng đàn, tái đàn trong điều kiện chăn nuôi có độ an toàn thấp, việc quản lý, đăng ký kê khai tái đàn từ cấp xã thực hiện chưa tốt, một bộ phận người chăn nuôi còn chậm báo cáo dịch (tự chữa trị với hy vọng khắc phục thiệt hại phần nào vì giá lợn cao trong khi chưa rõ ràng về mức hỗ trợ tiêu hủy). Hệ thống thú y cấp huyện không còn, mạng lưới thú y cơ sở mỏng, yếu nên công tác giám sát, quản lý dịch bệnh thực hiện chưa tốt.
Nhận thức của phần lớn người dân còn hạn chế, khi có lợn ốm chết không báo cho chính quyền địa phương hay cơ quan thú y, mà mổ thịt chia nhau ăn; chất thải không được xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường, có nơi người dân không chủ động tiêu hủy gia súc mắc bệnh hoặc chờ lợn chết mới cho tiêu hủy... dẫn tới dịch bệnh lây lan nhanh trên diện rộng.
Chi trên 13.000 tỷ để phòng, chống bệnh DTLCP
Cũng theo Cục Thú y, trước tình trạng bệnh DTLCP, Trung ương đã hỗ trợ ngân sách cho các địa phương tính đến ngày 6/10 là 6.631 tỷ đồng, bao gồm: 5.201 tỷ đồng hỗ trợ cho 50 tỉnh, thành đã hoàn hiện hồ sơ; 1.431 tỷ đồng (tương đương khoảng 70% kinh phí ngân sách Trung ương dự kiến hỗ trợ để khôi phục sản xuất) cho 13 tỉnh, thành chưa hoàn hiện hồ sơ theo quy định. Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, các tỉnh, thành đã khẩn trương thực hiện chi trả hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi bệnh DTLCP với tổng số kinh phí tiêu hủy lợn mắc bệnh, hỗ trợ lực lượng tham gia phòng, chống dịch trên 12.000 tỷ đồng.
Các ngân hàng và tổ chức tín dụng cũng hỗ trợ cho người chăn nuôi lợn tại 63 tỉnh, thành cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ 606 tỷ đồng. Miễn, giảm lãi vay hơn 163 tỷ đồng dư nợ, cho vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh dư nợ 479 tỷ đồng. Tính đến tháng 10/2020, tổng kinh phí đã chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách phòng, chống bệnh DTLCP ước tính trên 13.000 tỷ đồng.
Ngoài bệnh DTLCP, từ đầu năm đến ngày 17/11, trên cả nước còn xảy ra 182 ổ dịch LMLM tại 58 huyện thuộc 24 tỉnh, thành với 7.090 con gia súc mắc bệnh (chiếm 0,02% tổng đàn gia súc khoảng 34 triệu con), số gia súc bị chết và tiêu hủy là 269 con. So với cùng kỳ năm 2019, số ổ dịch giảm gần 2,88 lần, số lợn mắc bệnh và tiêu hủy giảm khoảng 3,66 lần. Hiện nay, cả nước có 13 ổ dịch LMLM xảy ra tại 4 tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Trà Vinh và Hà Tĩnh chưa qua 21 ngày. Tuyệt đại đa số (99,08%) trong tổng đàn gia súc trên 34 triệu con an toàn đối với bệnh LMLM.
Về dịch bệnh cúm gia cầm (CGC) cũng được lãnh đạo Cục Thú y cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 82 ổ dịch CGC A/H5 tại 28 tỉnh, thành. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy trên 224.000 con (chiếm 0,04% trong tổng đàn khoảng 520 triệu con), so sánh cùng kỳ năm ngoái số ổ dịch CGC A/H5 tăng 2,6 lần, số gia cầm tiêu hủy tăng gấp 3 lần. Hiện cả nước có 1 ổ dịch CGC A/H5N1 tại tỉnh Tiền Giang, như vậy tuyệt đại đa số (99,06%) trong tổng đàn gia cầm 520 triệu con an toàn. Còn bệnh tai xanh trên lợn, từ đầu năm đến nay phát hiện 5 ổ dịch tai xanh (4 ổ dịch tại các xã của 4 huyện thuộc tỉnh Nghệ An; 1 ổ dịch tại tỉnh Hà Nam).