Dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố, cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi 12 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Tại các vùng có nguy cơ cao được công bố tại cuộc họp trước đều không có ca lây nhiễm mới. Với 270 ca nhiễm COVID-19 trong 100 triệu dân, hệ số lây nhiễm dịch bệnh ở nước ta thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. |
Chúng ta đã thực hiện tốt, có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch đúng đắn, chi phí thấp được các tổ chức quốc tế, các quốc gia đánh giá cao. Đến giờ phút này, có thể nói, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được COVID-19. Do đó, cuộc họp hôm nay sẽ tiếp tục bàn về việc tháo gỡ, nới lỏng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh để giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng. Cuộc họp cũng sẽ tập trung thảo luận về một số biện pháp trong trạng thái “bình thường mới”…
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia (tính đến 11h ngày 28/3), thế giới ghi nhận hơn 3 triệu trường hợp mắc COVID-19 tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ; có 211.609 trường hợp tử vong. Tại khu vực Đông Nam Á, ghi nhận 40.766 trường hợp mắc và 1.447 tử vong, trong đó Singapore ghi nhận số mắc cao nhất (14.423) và Indonesia ghi nhận số tử vong cao nhất (765).
Tại Việt Nam, ghi nhận 270 trường hợp mắc (ngày thứ 12 liên tiếp không ghi nhận ca mắc tại cộng đồng, kể từ ngày 17/4), 230 trường hợp đã khỏi bệnh, 48 bệnh nhân đang được điều trị tại 8 cơ sở khám chữa bệnh; 3 bệnh nhân diễn biến nặng (số 20, 91, 161), trong đó bệnh nhân số 20 và 161 đang tập cai thở máy.
Ban Chỉ đạo cho biết, có 5 trường hợp khỏi bệnh nhưng được xét nghiệm dương tính trở lại đang được theo dõi tại các cơ sở y tế. Điều đó cho thấy tính phức tạp trong cơ chế lây nhiễm của SARS-CoV-2, cần đánh giá và triển khai đúng các biện pháp phòng, chống nhằm kiểm soát nguy cơ lây nhiễm COVID-19, đặc biệt đối với các trường hợp nhiễm bệnh trong cộng đồng, nhưng không biểu hiện triệu chứng, triệu chứng nhẹ.
Về vấn đề xét nghiệm, cả nước hiện có 112 phòng xét nghiệm Realtime-PCR có năng lực xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 (công suất tối đa khoảng hơn 27.000 mẫu/ngày), trong đó 48 phòng đã được phép xét nghiệm khẳng định COVID-19 (công suất tối đa khoảng 14.300 mẫu/ngày).
Thời gian qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phối hợp với Đại học Nagasaki của Nhật Bản nghiên cứu và phát triển loại sinh phẩm xét nghiệm kháng thể. Điểm khác biệt rất đáng chú ý là sinh phẩm xét nghiệm của Việt Nam sử dụng hệ thống máy xét nghiệm ELISA đã được trang bị từ tuyến Trung ương đến tận y tế tuyến huyện để chẩn đoán người nhiễm HIV, sốt xuất huyết và một số bệnh miễn dịch khác. Sinh phẩm “made in Vietnam” có nhiều ưu điểm: Sử dụng rộng rãi cho tất cả các tuyến từ tuyến huyện; độ nhạy và độ đặc hiệu cao khoảng 95% sau khi bị nhiễm 8 ngày; giá thành của sinh phẩm này rẻ (chỉ khoảng 5 USD/kit xét nghiệm). Hiện Bộ Y tế đang làm thủ tục công nhận sinh phẩm này để đưa vào sản xuất hàng loạt. Nếu thành công, Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể và thương mại hóa.
Hai xét nghiệm trên đây dùng để bổ trợ cho nhau trong việc khẳng định COVID-19 và xác định mức độ lây lan trong cộng đồng. Thời gian tới, với 2 loại sinh phẩm sản xuất được, Việt Nam sẽ hoàn toàn chủ động việc xét nghiệm mà không cần phải mua thêm máy móc, thiết bị xét nghiệm cũng như các sinh phẩm, hóa chất cần thiết khác.
Về việc sửa Nghị quyết số 20/NQ-CP về xuất khẩu khẩu trang, Ban Chỉ đạo đã thống nhất phương án: Bỏ chế độ cấp giấy phép và cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu khẩu trang y tế mà không hạn chế số lượng, không bị ràng buộc về điều kiện xuất khẩu. Căn cứ diễn biến của dịch bệnh và nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế trong nước, Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp để bảo đảm cung ứng đủ cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh trong nước.
Hà Nội tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh
Báo cáo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý khẳng định: Trong tuần qua, thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Trong đó, đối với hai huyện Mê Linh và Thường Tín thì thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với các quận, huyện còn lại thuộc diện nguy cơ thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như Chỉ thị số 19 của Thủ tướng…
|
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý và lãnh đạo sở ban, ngành của TP dự tại điểm cầu Hà Nội |
Với việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương và triển khai đồng bộ các giải pháp trên địa bàn, đến thời điểm hiện nay, Hà Nội tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh; các quận, huyện trên địa bàn thành phố không phát sinh ca mới; Thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly theo quy định.
Hiện nay, số người cách ly tập trung chỉ còn 412 người, cách ly tại cộng đồng 4.040 người. Cùng với đó, Thành phố tiếp tục rà soát cơ sở vật chất theo hướng tiết kiệm, chủ động khi có tình huống xảy ra.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố kiến nghị, đến thời điểm các ổ dịch kết thúc mà không có ca nhiễm mới, đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương cho Hà Nội xuống nhóm nguy cơ thấp tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp trong tình hình mới.
Liên quan đến thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, ngay sau khi nhận được Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã triển khai rà soát.
Qua rà soát, các quận, huyện có 1.477.000 đối tượng theo Nghị quyết 42 cần hỗ trợ, dự kiến kinh phí khoảng 3.520 tỷ đồng. Dự kiến trong chiều nay (28/4), Thành phố Hà Nội triển khai ban hành quyết định triển khai cho 4 đối nhóm tượng: đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo (dự kiến khoảng 414.000 người với kinh phí là 505 tỉ đồng). Như vậy, các đối tượng này sẽ được hưởng hỗ trợ của Chính phủ cũng như của thành phố Hà Nội trước ngày 30/4/2020.
Dự kiến ban hành quy chế thi đại học trước ngày 10/5Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, đến ngày 20/4 đã có 2 tỉnh thành phố tiên phong đưa hoc sinh quay trở lại trường hoc là Thái Bình và Cà Mau. Từ ngày 20 đến ngày 25/4 có 8 tỉnh; đến ngày 28/4 đã có 38 tỉnh, thành phố đưa học sinh đi học trở lại.
Hiện nay, đã có 60 tỉnh, thành phố đã có quyết định cho học sinh đi học trở lại vào ngày 4/5, còn lại 3 tỉnh, thành phố chiều nay (28/4) sẽ có quyết định tiếp, theo hướng đến ngày 4/5 cho học sinh đi học trở lại.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện những biện pháp an toàn trong trường học. Theo đó, hiện nay 38 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trở lại đều thực hiện nghiêm các Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ như: Thực hiện giãn cách bảo đảm an toàn cho học sinh, phun thuốc khử khuẩn lớp học, có chỗ rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh đủ điều kiện…
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Bộ tiêu chí về đảm bảo mức độ an toàn trong trường học trong mùa dịch, trong đó xây dựng 15 tiêu chí để trên có sở đó các địa phương có thể đánh giá được khả năng an toàn của mình để tổ chức cho học sinh đi học trở lại.
Các tiêu chí bảo đảm việc giãn cách khi tiếp xúc trong trường học không quá 1m, hướng dẫn cho các trường có thể bố trí cho học sinh đi học tốt hơn. Tiếp thu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Quy chế chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Hiện nay, Bộ đã xây dựng khung quy chế, ban hành đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến trước ngày 10/5 để cho học sinh yên tâm. “Đề tham khảo vẫn bảo đảm phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp nhưng vẫn có sự phân hoá để các trường đại học dựa trên cơ sở đó có thể xét, tuyển sinh. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng quy chế thi tốt nghiệp, dự kiến ban hành trước ngày 15/5 và quy chế thi tuyển sinh đại học sẽ ban hành trước ngày 10/5”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.