Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam đã nhập hơn 1 tỷ USD sắt, thép từ Trung Quốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quốc gia này đang chiếm tới 61,1% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam đối với nhóm hàng sắt, thép.

Theo số liệu được mới được Tổng Cục hải quan công bố, trong tháng 10 vừa qua, Việt Nam đã nhập khẩu từ Trung Quốc 965 nghìn tấn sắt, thép, tăng 25,5%. Tính cả 10 tháng đầu 2015, tổng giá trị mặt hàng này được nhập từ quốc gia trên đã lên tới 1,13 tỷ USD, tăng 39,8% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu sắt, thép nhiều nhất vào Việt Nam, tính về số lượng đã đạt tới con số 7,71 triệu tấn, tăng mạnh 62,1%. Đứng thứ 2 là Hàn Quốc với hơn 910 triệu USD tăng 68,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tính chung từ đầu năm, lượng sắt thép cả nước nhập về là 12,62 triệu tấn, tăng 34% về lượng với trị giá nhập khẩu là 6,28 tỷ USD, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm 2014. Điều này là do đơn giá nhập khẩu sắt thép các loại bình quân trong 10 tháng 2015 giảm tới 25,2%.

Tình trạng nhập khẩu sắt, thép từ Trung Quốc tăng mạnh đang dấy lên không ít quan ngại từ phía các DN trong nước hoạt động ở lĩnh vực này. Mới đây, Hiệp hội thép Việt Nam đã phản ánh tình trạng phôi thép chứa crom được khai báo là phôi thép hợp kim để hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0%, thay vì 9% như các loại phôi thép vuông khác. Điều này dẫn tới mặt hàng này tăng mạnh về lượng nhưng lại giảm mạnh về giá.

Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã lập đoàn kiểm tra việc nhập khẩu phôi thép nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi nhập khẩu, sử dụng không đúng mục tiêu đã đăng ký và không bảo đảm các quy định về chất lượng.

Ở một diễn biến khác, trong tháng 10 vừa qua, Đại sứ EU tại Việt Nam đã gửi đến Bộ Công thương văn bản của Văn phòng chống gian lận Liên minh châu Âu về việc nghi ngờ các DN Trung Quốc lợi dụng đưa sản phẩm sắt, thép sang Việt Nam để trốn thuế chống bán phá giá mà EU đang áp dụng với quốc gia này.

Được biết, cơ quan trên đã phát hiện nhiều sản phẩm như ống nối, ống dẫn bằng sắt và thép xuất khẩu… xuất xứ từ Việt Nam nhưng lại có gốc gác từ Trung Quốc.