Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam đang dần làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vệ tinh MicroDragon của Việt Nam được phóng thành công lên quỹ đạo đánh dấu Việt Nam đang dần làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh nhờ chính đội ngũ kỹ sư và các nhà khoa học.

Đánh giá về ý nghĩa của sự kiện này, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao Đàm Bạch Dương cho biết, đây là một sự kiện rất đáng khích lệ và nằm trong khuôn khổ Dự án của Việt Nam đã cử các cán bộ sang Nhật Bản để học tập, nghiên cứu, thiết kế.
Hình ảnh tên lửa Epsilon mang theo 7 vệ tinh rời bệ phóng. Ảnh: JAXA
Thông tin về sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, Vụ trưởng Đàm Bạch Dương cho biết, đây là nhiệm kỳ thứ 2, Việt Nam có chương trình KHCN tự chủ. Trong chương trình này, có rất nhiều nghiên cứu đề tài, lĩnh vực khác nhau trong khoa học tự chủ để hỗ trợ việc Việt Nam phát triển ngành công nghệ vũ trụ.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, chương trình phát triển vũ trụ này là một chương trình KHCN được đầu tư, xây dựng cơ sở để nghiên cứu phát triển về công nghệ vũ trụ lẫn chương trình đào tạo các chuyên gia, kỹ sư và sau đó, có nội dung là phóng các tên lửa từ tầm nhỏ đến tầm lớn. Đây là chương trình chủ trì bởi Trung tâm Vũ trụ Việt Nam - Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam để thực hiện chiến lược về phát triển khoa học vũ trụ giai đoạn 2011-2020.
“KHCN Việt Nam tự hào về các nội dung triển khai đã góp phần đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển về vũ trụ, viễn thám cho Việt Nam” - Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đánh giá.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, sự kiện phóng thành công vệ tinh MicroDragon cho thấy, khi Việt Nam phối hợp với các quốc gia hàng đầu trên thế giới về công nghệ vũ trụ thì Việt Nam cũng đang từng bước làm chủ, học hỏi để tiến tới tự phát triển các vệ tinh tầm nhỏ của riêng mình.
Được biết, ngày 18/1, vào 7 giờ 50 phút 20 giây giờ Việt Nam (tức 9 giờ 50 phút 20 giây giờ Nhật Bản), vệ tinh MicroDragon của Việt Nam đã được phóng thành công lên quỹ đạo tại Trung tâm vũ trụ Uchinoura (tỉnh Kagoshima, Nhật Bản).
Với độ phân giải không cao, vệ tinh Micro Dragon chỉ phân biệt được những vật có độ lớn từ 70 m trở lên, vì vậy, vệ tinh Micro Dragon không có chức năng phát hiện, định vị tàu mà chỉ có một cảm biến quan trắc màu nước vùng biển ven bờ để giám sát chất lượng nước và dầu loang trên biển.
Vệ tinh Micro Dragon có thể định vị nguồn thủy sản, cung cấp thông tin về những động vật, phù du đang sinh sống tại vùng biển được quan sát và cung cấp thông tin có những loại cá nào, kích cỡ ra sao tại vùng biển ven bờ để phục vụ ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam.