Việt Nam đóng góp tích cực vào thành công của WEF Đông Á 2014

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Như sự tiếp nối thành công trong các chuyến đi dự WEF Đông Á năm 2012 và năm 2013 tại Thái Lan và Myanmar, những hoạt động thiết thực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến đi dự WEF Đông Á 2014 lần này tại Manila, Philippines, đã một lần nữa khẳng định sự đóng góp tích cực của Việt Nam cho sự thành công chung của diễn đàn uy tín này.

Những năm gần đây, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Năm 2010, Việt Nam đã tổ chức thành công WEF Đông Á tại TPHCM. Năm 2012 và năm 2013, Thủ tướng Chính phủ tham dự WEF Đông Á tại Thái Lan và Myanmar và năm nay (2014) là WEF Đông Á 2014 tại Manila, Philippines.

Với chủ đề bao trùm “Thúc đẩy tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều”, WEF Đông Á 2014 có  sự tham dự của Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III; Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới Klaus Schwab; Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono; lãnh đạo cao cấp của nhiều nước, tổ chức quốc tế và hơn 600 đại biểu là các học giả có uy tín, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của khu vực và thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên khai mạc WEF Đông Á. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên khai mạc WEF Đông Á. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể WEF Đông Á 2014; phiên thảo luận “Thúc đẩy cộng đồng kinh tế ASEAN thông qua tăng cường phối hợp công-tư”; phiên đối thoại với các doanh nghiệp quốc tế tham dự Hội nghị.

Sự tham dự và các phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được quan tâm và hưởng ứng của đông đảo đại biểu tại Diễn đàn.

Tạo thêm những động lực mới để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và bền vững

Phát biểu tại WEF Đông Á 2014, nhấn mạnh Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh châu Á-Thái Bình Dương đang là khu vực tăng trưởng nhanh và năng động trên thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: “Chúng ta cũng nhận thấy những biểu hiện suy giảm tốc độ tăng trưởng của một số nền kinh tế trong khu vực. Một trong những nguyên nhân là động lực của mô hình tăng trưởng hiện nay không còn đủ mạnh. Vì vậy, chúng ta cần tạo thêm những động lực mới để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và bền vững. Đó là toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cần phải sâu rộng hơn. Đồng thời đổi mới thể chế kinh tế thị trường với chất lượng và yêu cầu cao hơn cùng với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường tốt hơn, thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ nhanh hơn và bền vững hơn”.

Từ kinh nghiệm Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hai động cơ song hành là hội nhập quốc tế và cải cách trong nước, đồng thời nêu rõ những cơ hội đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, bao gồm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách thuận lợi, việc Việt Nam đang đẩy mạnh đàm phán nhiều hiệp định tự do thương mại song và đa phương như TPP, RCEP, Việt Nam-EU…

Không thể có phát triển nếu không có hòa bình và ổn định

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh không thể có  phát triển nếu không có hòa bình và ổn định. Quan điểm này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được sự đồng tình, chia sẻ của các đại biểu tham dự Hội nghị.

Nhiều đại biểu bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp của tình hình an ninh-chính trị khu vực, bao gồm tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông và biển Hoa Đông; cho rằng hòa bình ổn định là điều kiên tiên quyết để bảo đảm hợp tác và phát triển kinh tế, các nước có liên quan cần giải quyết các tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tránh sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực cũng như những hành động khiêu khích có thể làm phức tạp thêm tình hình.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào hòa bình, ổn định và lạc quan về tương lai hợp tác phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhìn lại toàn cảnh bức tranh khu vực thời gian gần đây, tôi hoàn toàn chia sẻ với quan ngại của Giáo sư Klaus Schwab trong bài phát biểu hôm nay và tại Diễn đàn WEF Davos đầu năm 2014 là nguy cơ bất ổn đang tăng lên. Trên thực tế, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông đang diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và an ninh khu vực”.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hiện nay, trên 3/4 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và 2/3 số đó đi qua Biển Đông. Bất ổn hay xung đột xảy ra tại đây sẽ làm gián đoạn lưu chuyển dòng hàng hóa to lớn này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều gánh chịu hậu quả khôn lường, thậm chí có thể làm đảo ngược tiến trình phục hồi kinh tế thế giới.

Thủ tướng đã lưu ý về tình hình đặc biệt nghiêm trọng đang diễn ra ở Biển Đông; khẳng định Việt Nam luôn mong muốn hòa bình hữu nghị, luôn hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí và sử dụng mọi kênh đối thoại để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Tuy nhiên, cho đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục sử dụng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.

“Chúng tôi kiên định và kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và kêu gọi ASEAN, các nước và bạn bè trên thế giới tiếp tục ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh sự đoàn kết hợp tác của cộng đồng quốc tế là hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế.

Môi trường kinh doanh Việt Nam ngày càng hoàn thiện, thuận lợi cho nhà đầu tư

Tại phiên thảo luận “Thúc đẩy cộng đồng kinh tế ASEAN thông qua tăng cường phối hợp công-tư”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ ý kiến với các đại biểu về tầm quan trọng của hợp tác công-tư trong bối cảnh toàn cầu hóa và tăng cường liên kết hội nhập quốc tế đem lại nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra những thách thức đối với tất cả các quốc gia. Đối với các nước ASEAN, tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đòi hỏi tận dụng hiệu quả hợp tác công-tư, tiêu biểu như trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ các sáng kiến, kế hoạch về kết nối ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng để hợp tác công-tư đóng góp hiệu quả vào tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, cần một số yếu tố như sự ủng hộ mạnh mẽ của các Chính phủ ASEAN, có khung chính sách chung của ASEAN về hợp tác công-tư và có danh mục dự án kết nối ASEAN theo hình thức đối tác công-tư với các điều kiện cụ thể, hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân, đồng thời có cơ chế hỗ trợ, giám sát để thực hiện hành công dự án. Bên cạnh đó, sự tham gia của các đối tác ngoài ASEAN cũng có vai trò hết sức quan trọng. 

Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn lâu dài tại Việt Nam

Phiên đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các doanh nghiệp đã thu hút sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp thành viên WEF quan tâm tới các cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đã có cơ hội trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tình hình và triển vọng kinh tế Việt Nam, chính sách thu hút đầu tư và các biện pháp của Chính phủ Việt Nam nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang có những lợi thế để thu hút đầu tư nước ngoài, đó là: Cơ cấu dân số vàng, có khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng về nhân lực; việc tham gia liên kết khu vực và quốc tế (xây dựng Cộng đồng ASEAN và đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do FTA với các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới) sẽ giúp Việt Nam trở thành đầu mối quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G20; Việt Nam đang tích cực thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

Thủ tướng khẳng định với những nỗ lực liên tục và thường xuyên của Chính phủ, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam.

Có thể khẳng định, như sự tiếp nối thành công trong các chuyến đi dự WEF Đông Á năm 2012 và năm 2013 tại Thái Lan và Myanmar; những hoạt động thiết thực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến đi dự WEF Đông Á 2014 lần này tại Manila, Philippines đã một lần nữa khẳng định sự đóng góp tích của Việt Nam đối cho sự thành công chung của diễn đàn uy tín này.