Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu xi măng

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Năm 2018, tổng sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam đạt trên 32 triệu tấn tăng 11 triệu tấn so với năm 2017, trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu xi măng.

Đây là chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung tại Hội thảo “Phát triển vật liệu xây dựng mới, an toàn, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường” diễn ra tại Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch quốc gia Hà Nội, ngày 29/3.

Các chuyên gia cùng bàn luận về vấn đề phát triển của ngành công nghiệp xi măng và sản xuất VLXD tại Việt Nam. Ảnh: Mai Vân

Theo đánh giá, năm 2018 ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) tiếp tục có sự phát triển, tất cả các chủng loại VLXD về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của xã hội, đáp ứng được yêu cầu xây dựng trong nước; đồng thời một số sản phẩm VLXD đã tham gia vào thị trường xuất khẩu, trong đó xi măng là một trong những sản phẩm giữa vai trò chủ đạo.

Tính đến hết năm 2018, tổng năng lực sản xuất của ngành xi măng đã đạt 97,64 triệu tấn, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 114 triệu tấn. Đến thời điểm hiện tại, nhu cầu tiêu thụ xi măng của Việt Nam đạt khoảng 97,02 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ trong nước đạt 64,93 triệu tấn, tăng 9% so với năm 2017, trong đó xuất khẩu đạt 32,09 triệu tấn tăng 56% so với năm 2017.

Hiện nay, trên thị trường các chủng loại xi măng của Việt Nam được chia thành hai dòng sản phẩm chính là: Dòng sản phẩm chuyên dụng và dòng sản phẩm đa dụng. Dòng sản phẩm chuyên dụng nổi bật nhất là xi măng xây trát cao cấp MC25, phục vụ xây trát và hoàn thiện công trình với đặc tính vượt trội như độ dẻo cao, tạo sự ổn định, chống rạn nứt, chống thấm tốt, góp phần nâng cao chất lượng công trình xây dựng.

Dòng sản phẩm chuyên dụng với đặc tính là giá cả hợp lý, thích hợp với các công trình có quy mô khác nhau, nên đây là dòng sản phẩm đang được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng rộng rãi trong tất cả các công trình xây dựng.

Đối với dòng sản phẩm đa dụng, có các sản phẩm như: PC30, PC40, PCB 30, PCB 40, PCB 50... là dòng sản phẩm được sử dụng cho các công trình xây dựng dân dụng và công trình công nghiệp. Đặc biệt, đối với dòng sản phẩm đa dụng cũng có thể sử dụng để thi công công trình ở vùng nước lợ, đất nhiễm mặn ven biển, nâng cao các tác nhân ăn mòn hóa học…

Theo ông Nguyễn Quang Cung, hiện nay tại các nước có ngành công nghiệp sản xuất xi măng thuộc top đầu thế giới, như: Trung Quốc, Ấn Độ... đã sản xuất ra được khoảng 35 loại xi măng các loại, sử dụng cho các công trình xây dựng ở những vùng có điều kiện khí hậu, thủy văn khác nhau.

“Tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng ngành sản xuất xi măng đang thiếu về số lượng sản phẩm, trên thực tế ngành xi măng Việt Nam cũng có rất nhiều sản phẩm khác nhau, nhưng các nhà sản xuất thường gộp lại các sản phẩm có công năng tương tự nhau thành một sản phẩm trong quá trình sản xuất” - ông Nguyễn Quang Cung nói.

Đánh giá về tiềm năng phát triển của ngành xi măng Việt Nam, Giám đốc Triển lãm BAU China - Mr. Strauss cho biết, Việt Nam có nhiều điều kiện để trở thành quốc gia đứng đầu thế giới trong sản xuất và xuất khẩu xi măng. “Nhiều ý kiến cho rằng năm 2018, xuất khẩu xi măng của Việt Nam tăng trưởng mạnh là do DN Trung Quốc tăng cường nhập khẩu, nhưng thực tế DN Trung Quốc chỉ nhập khẩu khoảng 6 - 7 triệu tấn, còn lại là tiêu thụ ở các nước khác. Chứng tỏ xi măng Việt Nam  đã có sự cạnh tranh tốt trên thị trường và còn nhiều tiềm năng để phát triển” - ông Strauss nói.