Việt Nam được đánh giá cao vì sự tiến bộ của phụ nữ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo khảo sát mới nhất của MasterCard về Chỉ số Tiến bộ Phụ nữ, Việt Nam xếp thứ 5 tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương với 66 điểm, xếp sau New Zealand, Australia, Philippines, Singapore.

Chỉ số Tiến bộ Phụ nữ của MasterCard đánh giá vị trí kinh tế - xã hội của phụ nữ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chỉ số bao gồm ba tiêu chí chính xuất phát từ các tiêu chí phụ bổ sung: Việc làm (tham gia vào lực lượng lao động và việc làm thường xuyên); trình độ học vấn (giáo dục trung học và cao đẳng/đại học), và khả năng lãnh đạo (chủ doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo chính trị).

Phụ nữ - chìa khóa của thành công

Theo kết quả khảo sát, New Zealand đạt được chỉ số tiến bộ phụ nữ cao nhất: 77,3 điểm, kế tiếp là Australia với 76 điểm và Philippines với 72,6 điểm. Thái Lan có mức sụt giảm chỉ số lớn nhất (59,4 điểm; giảm 7,2 điểm) trong khi Singapore đạt được mức cải thiện cao nhất (tăng 0,4 điểm lên 70,5 điểm).
Phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thành công của các quốc gia tại châu Á - Thái Bình Dương
Phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thành công của các quốc gia tại châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh minh họa.
Georgette Tan - Trưởng nhóm bộ phận Truyền Thông khu vực châu Á-Thái Bình Dương của MasterCard cho biết, các nghiên cứu cho thấy công ty tư nhân và nhà nước đạt nhiều thành công và ưu thế khi có nhiều phụ nữ lãnh đạo hơn. Thực tế, các công ty có nhiều phụ nữ lãnh đạo hơn thường hoạt động tốt hơn, vì vậy, việc có quá nhiều nam giới lãnh đạo cần xem lại. Trong một thị trường toàn cầu cạnh tranh cao, các công ty đang bắt đầu hiểu lý do vì sao đưa những phụ nữ tài năng vào ban lãnh đạo lại cần thiết cho sự cải tiến và tăng trưởng kinh tế bền vững tại cả những quốc gia phát triển và đang phát triển.

Mặc dù phụ nữ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng đạt được trình độ học vấn cao hơn so với nam giới, sự tiến bộ trong bình đẳng giới vẫn còn khá chậm - đặc biệt trong lĩnh vực lãnh đạo doanh nghiệp, sở hữu doanh nghiệp và tham gia chính trị.

Thành công của Việt Nam

Việc Việt Nam xếp thứ 5, sau các quốc gia phát triển hàng đầu của khu vực phần nào phản ánh sự thành công trong tiến trình kiên trì theo đuổi và thực hiện chính sách bình đẳng giới của Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam đã được bình đẳng trong mọi mặt của đời sống xã hội như chính trị, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, đặc biệt theo Hiến pháp mới (2013), phụ nữ được bình đẳng việc hưởng tất cả các dịch vụ quy định. Trong những năm gần đây, phụ nữ tham gia chính trường càng nhiều, tuy rằng tỷ lệ chưa được như mong muốn, song đây là sự cố gắng rất lớn của tất cả các tổ chức chính trị - xã hội, và sự nỗ lực của phụ nữ Việt Nam.

 
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nữ giới tham chính cao nhất tại khu vực.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nữ giới tham chính cao nhất tại khu vực.
Trước đó, tại Đại hội đồng liên minh nghị viện (IPU) lần thứ 132 diễn ra tại Hà Nội, các đại biểu quốc tế đã có những bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Việt Nam là một trong các nước châu Á với nhiều nữ đại biểu Quốc hội nhất và có số nữ giám đốc điều hành đứng thứ nhì ASEAN. Đặc biệt, nước chủ nhà Việt Nam đã đưa ra một số kiến nghị với thế giới trong việc tiếp tục thực hiện Tuyên bố Hành động Bắc Kinh như: Nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham chính, nâng cao khả năng tiếp cận của phụ nữ, phân bổ nguồn lực hợp lý cho bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực với phụ nữ, trẻ em và tiếp tục nghiên cứu để có những mục tiêu phát triển bền vững sau 2015, lồng ghép giới trong toàn bộ các mục tiêu phát triển bền vững,… được Đại hội đồng đồng tình, nhất trí đưa vào các Nghị quyết cuối cùng.