Hoàn thành 50% chỉ tiêu đề ra
Ngày 5/5, SEA Games 32 chính thức khởi tranh tại Campuchia, các nước tham dự Đại hội bước vào tranh tài và hướng đến những tấm HCV danh giá. Đoàn thể thao Việt Nam tham dự với 1.003 thành viên, trong đó có hơn 700 VĐV, 38 lãnh đội, 190 HLV, 10 chuyên gia, 64 bác sĩ và cán bộ đoàn... Đây là số lượng thành viên lớn nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam từng tham dự một kỳ SEA Games bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
So với kỳ Đại hội cách đây 1 năm diễn ra trên sân nhà, Đoàn thể thao Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ ngôi vị số 1 trong khu vực Đông Nam Á. Theo mục tiêu đề ra, Đoàn thể thao Việt Nam phấn đấu giành từ 90-120 HCV và đứng trong top 3 SEA Games 32. Nhìn lại tại SEA Games 31, các VĐV của Đoàn thể thao Việt Nam đã thi đấu với hơn 100% sức lực để giành vị trí nhất toàn đoàn với thành tích 205 HCV - kỷ lục SEA Games. So với hai kỳ Đại hội, mục tiêu lần này của Đoàn thể thao Việt Nam giảm gần 1 nửa khi nước chủ nhà Campuchia đã cắt bỏ nhiều nội dung được xem là thế mạnh, điều này có thể ảnh hưởng tới thành tích chung của đoàn Việt Nam, nhất là mục tiêu lọt vào top 3.
Tính đến hết ngày 11/5, Đoàn thể thao Việt Nam đã giành được 58 HCV, đứng đầu bảng tổng sắp huy chương. Với gần 1 tuần tranh tài chính thức, Đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành được 50% số HCV đề ra theo kế hoạch ban đầu. Có thể thấy, kể từ ngày SEA Games 32 chính thức khởi tranh, toàn Đoàn thể thao Việt Nam đã thể hiện được quyết tâm, bản lĩnh và sự khát khao chiến thắng, thi đấu với tinh thần thể thao cao thượng trong từng trận đấu. Có những ngày, các VĐV mở ra “ngày vàng” cho thể thao Việt Nam khi giành tới 15 HCV ở các môn như Kun Bokator (6 HCV), Thể dục dụng cụ (3HCV) Điền kinh (3 HCV), Bơi (2 HCV), Karate (2 HCV), Vovinam (2 HCV)…
Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã gửi thư chúc mừng và nhấn mạnh: "Thành tích đạt được trong những ngày thi đấu vừa qua của Đoàn Thể thao Việt Nam là kết quả của sự nỗ lực, cống hiến hết mình của từng VĐV, HLV, vì "màu cờ, sắc áo" của Tổ quốc. Lãnh đạo Bộ VHTT&DL mong các thành viên Đoàn thể thao Việt Nam nỗ lực tập luyện và thi đấu với tinh thần quyết tâm cao nhất để tiếp tục giành được nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa tại Đại hội".
Kỳ vọng sẽ phá nhiều kỷ lục
Theo thống kê, Đoàn thể thao Việt Nam lập kỷ lục về số huy chương (205 HCV - kỷ lục SEA Games) tại SEA Games 31. Trong số các 116 HCV các môn giành được có trong chương trình thi đấu của Olympic Paris 2024, chiếm 56% tổng số HCV đã đạt được tại Đại hội. Bên cạnh đó, các VĐV Việt Nam cũng đã phá kỷ lục SEA Games tại 17/30 nội dung. Rõ ràng, sự tiến bộ của thể thao Việt Nam ở những môn Olympic sẽ là động lực giúp các VĐV hướng đến những mục tiêu xa hơn như ASIAD hay Olympic Paris 2024.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại nhiều môn đã thi đấu và kết thúc nhưng chỉ có 2 kỷ lục được phá do kình ngư Phạm Thanh Bảo ở nội dung 200m bơi ếch với thành tích 2 phút 11 giây 45 (kỷ lục trước đó do Weiang thiết lập tại SEA Games 31 thời gian là 2 phút 11 giây 93) và nội dung 100 m bơi ếch nam với thành tích 1 phút 00 giây 97 (phá kỷ lục của chính mình 1 phút 1 giây 17 tại SEA Games 31).
Số lượng kỷ lục được phá tại SEA Games 32 là chưa nhiều nhưng Đoàn thể thao Việt Nam đã tạo ra những dấu ấn lớn trên đất Campuchia. Điểm nhấn đầu tiên thuộc về chân chạy Nguyễn Thị Oanh- người giành 2 HCV ở 2 nội dung cự ly dài 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật cách nhau khoảng 20 phút.
Bên cạnh đó, Thể dục dụng cụ cũng để lại dấu ấn trong ngày 9/5 khi mang về thêm 3 chiếc HCV, 1 HCB, 1 HCĐ quý giá. Trong đó đáng chú ý ở nội dung Vòng treo, VĐV Nguyễn Văn Khánh Phong đã tạo nên “cơn địa chấn” khi đánh bại Carlos Yulo (Philippines) - từng đoạt ngôi vô địch thế giới ở nội dung tự do tại Giải vô địch thể dục dụng cụ thế giới năm 2019 và là VĐV số 1 của thể dục dụng cụ Đông Nam Á hiện nay. Thể dục dụng cụ cũng tạo ấn tượng mạnh khi khép lại kỳ Đại hội với ngôi nhất toàn đoàn khi giành được 4 HCV, vượt chỉ tiêu đề ban đầu đề ra.
Ngoài ra, bộ môn võ Kun Bokator trong lần đầu tiên thành lập đội tuyển thi đấu và tham dự SEA Games đã giành tới 6 HCV hay các võ sĩ ở môn Karatedo, Kun Khmer, Pencak silat... nén đau vượt qua chấn thương để thi đấu đạt thành tích cao nhất, mang về những chiếc HCV của ý chí và nghị lực. Những VĐV đã vượt qua thời tiết nóng bức và cái nắng như thiêu đốt để thi đấu hết mình trên đường chạy marathon, tấm HCV lịch sử của bóng rổ nữ cũng như đội tuyển Golf Việt Nam và ở những môn thể thao rất khắc nghiệt khác tạo nên những ấn tượng của thể thao Việt Nam trong đấu trường khu vực. Tất cả đã làm nên tinh thần và ý chí Việt Nam tại SEA Games 32.