Việt Nam kêu gọi hành động khẩn cấp tránh cho Liban rơi vào sụp đổ

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Việt Nam và các nước thành viên Hội đồng Bảo an khác đều bày tỏ lo ngại về những thách thức mà Liban đang phải đối mặt trên tất cả các lĩnh vực.

Ngày 22/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp về tình hình Liban và việc thực hiện Nghị quyết 1701 (2006) của Hội đồng Bảo an. 
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách gìn giữ hòa bình Jean-Pierre Lacroix, Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Liban Joanna Wronecka và người đứng đầu Lực lượng lâm thời Liên hợp quốc tại Liban (UNIFIL) Stefano Del Gol đã cập nhật các thông tin về tình hình Liban, hoạt động của UNIFIL và kết quả thực hiện các nội dung của Nghị quyết 1701.
 Trẻ em tại khu vực Bab al-Tabbaneh, thành phố Tripoli, Liban ngày 3/6/2020. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Nghị quyết 1701 được Hội đồng Bảo an thông qua tháng 8/2006, bao gồm 19 điểm nhằm chấm dứt xung đột vũ trang giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở miền Nam Liban, kêu gọi các bên ngừng hoàn toàn các hành động thù địch và triển khai lực lượng UNIFI nhằm giảm căng thẳng tại vùng biên giới phía Nam của quốc gia Trung Đông.
Việt Nam và các nước thành viên Hội đồng Bảo an khác đều bày tỏ lo ngại về những thách thức mà Liban đang phải đối mặt trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời đánh giá cao kết quả hoạt động của UNIFIL tại Liban.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Nguyễn Phương Trà chia sẻ quan điểm về việc các bên ở Liban cần hành động khẩn cấp để thành lập Chính phủ, tránh cho Liban khỏi rơi vào tình trạng sụp đổ.
Đại diện của Việt Nam lo ngại về tình trạng vi phạm và không có tiến triển trong thực hiện Nghị quyết 1701; kêu gọi các bên liên quan tuân thủ nghiêm túc Nghị quyết, tôn trọng quyền tự do đi lại của UNIFIL và tạo điều kiện cho phái bộ tiếp cận đầy đủ và kịp thời các vị trí theo yêu cầu.
Đại diện của Việt Nam cũng kêu gọi tất cả các bên tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Liban, ngừng vi phạm không phận của Liban và rút khỏi các khu vực bị chiếm đóng ở phía bắc Đường Xanh, đồng thời sử dụng các kênh liên lạc và phối hợp với UNIFIL, kiềm chế các hành động và phát ngôn quá khích để tránh gia tăng căng thẳng.  
Về vai trò của UNIFIL, Việt Nam khẳng định ủng hộ hoạt động phái bộ và sẵn sàng thảo luận trong Hội đồng Bảo an để gia hạn hoạt động của lực lượng này trong thời gian tới.
UNIFIL là lực lượng lâm thời của Liên hợp quốc làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại vùng biên giới phía Nam của Liban.
Lực lượng này được thành lập và triển khai lần đầu vào năm 1978 và được bổ sung thêm nhiệm vụ hai lần vào các năm 1982 và 2006 sau các cuộc xung đột giữa Israel và Palestine nhằm ngăn chặn căng thẳng giữa các lực lượng tại khu vực hoạt động.
Tháng 8/2020, Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết 2539 gia hạn hoạt động của UNIFIL thêm 12 tháng.
Nguy cơ thảm họa y tế ở Liban do bệnh viện mất điện 
Ngày 22/7, các bệnh viện ở Liban cảnh báo về nguy cơ xảy ra thảm họa y tế trong bối cảnh một số bệnh viện chỉ còn nhiên liệu đủ dùng trong vài giờ để chạy máy phát điện nhằm duy trì hoạt động của các thiết bị duy trì sự sống cho bệnh nhân trong thời gian bị cắt điện. 
Cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính nghiêm trọng nhất trong lịch sử Liban đang tác động nghiêm trọng tới ngành y tế vốn đã mong manh của nước này và hiện đang chật vật đối phó với làn sóng dịch COVID-19 mới nhất. 
Trong những tuần gần đây, các công ty điện lực nhà nước đã ngừng cung cấp điện, buộc các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh và bệnh viện phải chạy máy phát điện hầu như suốt ngày.
Tuy nhiên, một nhóm các bệnh viện tư nhân cảnh báo các bệnh viện không thể có đủ nhiên liệu chạy máy phát điện trong suốt thời gian mất điện ít nhất là 20 giờ/ngày. Một số bệnh viện có nguy cơ hết nhiên liệu và điều này sẽ đe dọa tới tính mạng của bệnh nhân. 
Nhóm bệnh viện trên kêu gọi giới chức Liban nỗ lực giải quyết vấn đề này để tránh xảy ra thảm họa y tế. 
Do dự trữ ngoại tệ giảm, chính phủ Liban đang cố mua nhiên liệu để vận hành các nhà máy điện, kéo dài thời gian cắt điện tới 23 giờ mỗi ngày ở một số vùng.
Cuộc khủng hoảng đã khiến đồng nội tệ nước này mất giá tới hơn 90%, buộc hàng trăm nghìn người Liban với thu nhập giảm mạnh, sống trong tình trạng thiếu điện. 
Trong khi đó, các nhà nhập khẩu thiết bị y tế của Liban cho biết họ không thể nhập hàng trăm loại thuốc thiết yếu vốn đã không còn ở Liban do không có tiền thanh toán với bên cung cấp ở nước ngoài vì ngân hàng trung ương Liban không cho vay như đã cam kết./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần