Việt Nam không chạy đua công nghệ truyền hình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (28/10), kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 50 Hiệp hội Phát thanh Truyền hình (PT - TH) châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific Broadcasting Union General Assembly & Associated Meetings - ABU GA 50) do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đăng cai tổ chức (diễn ra từ 23 - 29/10) khai mạc tại Khách sạn Melia (Hà Nội).

Đây là cơ hội để VTV mở rộng giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các nước trong khu vực, nhưng như những người làm truyền hình trong nước nói: Không vì thế mà "chạy đua" công nghệ truyền hình.

 
 Một gian trưng bày sản phẩm công nghệ truyền hình tại triển lãm Telefilm 2013. Ảnh: Nguyên Trang
Một gian trưng bày sản phẩm công nghệ truyền hình tại triển lãm Telefilm 2013. Ảnh: Nguyên Trang

“Phục vụ khán giả trong kỷ nguyên số”    

Với chủ đề “Phục vụ khán giả trong kỷ nguyên số”, kỳ họp bao gồm một chuỗi các hoạt động kéo dài từ ngày 23 - 29/10. Chủ đề này cho thấy ưu tiên của các nhà quản lý PT - TH khu vực là cung cấp những nội dung chính xác nhất bằng công nghệ cao nhất đến cho khán giả. Là bởi các phương thức PT - TH truyền thống đang gặp thách thức vô cùng lớn từ sự xuất hiện của các công cụ truyền thông mới trong kỷ nguyên số. Máy tính bảng hay điện thoại thông minh lấn át vô tuyến, mạng xã hội lấn át truyền hình hoặc truyền thanh. Việc người dân Hàn Quốc chuyển sang xem truyền hình internet thay cho truyền hình cáp, người dân Mỹ dành trung bình 5 giờ/ngày xem internet thay cho 4 tiếng xem truyền hình là những câu chuyện đáng bàn. Vì thế, trong suốt một tuần, đại diện hàng đầu của hơn 150 tổ chức PT - TH ở 53 nước và vùng lãnh thổ sẽ ngồi lại bàn bạc, chia sẻ kinh nghiệm và hoạch định chiến lược phát triển cả về nội dung và kỹ thuật để duy trì vị thế vốn có của ngành PT - TH. 

Ông Javad Mottaghi, Tổng Thư ký ABU cho biết: "Thông tin giờ đây có ở khắp nơi, và khán giả có quyền quyết định xem gì, xem ở đâu và xem như thế nào? Nên các Đài PT - TH chúng ta sẽ phải đảm bảo cung cấp thông tin chính xác nhất, đáng tin cậy cho khán thính giả với nội dung tốt hơn, dịch vụ kỹ thuật tốt hơn. Đó là cách duy nhất để chúng ta giành lòng tin của khán giả, cũng là cách chúng ta tiến bước". Đây chính là nhiệm vụ trọng tâm của cuộc họp Ủy ban Kỹ thuật ABU diễn ra ngày 24, 25 và 26/10 vừa qua với điểm nhấn là Diễn đàn các nhà quản lý kỹ thuật (CTO Forum) với nội dung Tầm nhìn công nghệ truyền hình tới năm 2020.

Có nên nâng cấp hình ảnh lên chuẩn 8k trong 10 năm tới?

TS Yoshiaki Shishikui (Phòng nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật NHK, Đài Truyền hình NHK Nhật Bản) cho biết, để xây dựng lòng tin của công chúng đối với truyền hình, NHK đã có lịch trình nâng cấp chất lượng hình ảnh lên chuẩn 8K (gấp 4 lần) trước năm 2020 - năm Nhật Bản tổ chức thế vận hội Olympic 2020. Tuy nhiên, một số đại biểu không đồng tình với việc tiến tới phát sóng hình ảnh chuẩn siêu nét (8K) trong một thập kỷ tới. Bởi như ông Phil Laven - Chủ tịch DVB cho rằng, việc tiến hành nâng cấp lên chuẩn 8K cần đặc biệt cân nhắc tới vấn đề kinh phí, bởi trong thời đại kỹ thuật số, truyền hình phải đi liền với công nghệ thông tin. Như chúng ta đã biết, hiện tại ngoài dịch vụ truyền hình truyền thống, những năm qua trên thế giới đã xuất hiện nhiều loại hình truyền hình trực tuyến, thu hút được lượng lớn người xem. Do đó, thay vì mải chạy đua về phương tiện phát sóng, chuẩn phát sóng, nên chăng có thể kết hợp giữa công nghệ thông tin và truyền hình để tiếp tục tiến tới một chuẩn truyền hình (Hybrid Boardcast) cao cấp hơn vào năm 2020. Bên cạnh đó, vấn đề giá thành cũng không cao như việc nâng cấp lên chuẩn hình ảnh 8K.

Chia sẻ về kế hoạch của nước chủ nhà Việt Nam, ông Nguyễn Đức Tuệ - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật sản xuất chương trình của VTV cho biết: "Việt Nam hiện vẫn là nước đang phát triển, vì thế chúng tôi không thể chạy đua công nghệ với NHK (Nhật Bản) hay KBS (Hàn Quốc) - những đơn vị đã có kế hoạch nâng cấp chất lượng thể hiện lên chuẩn 8K trong thời gian tới. Kế hoạch của VTV cho đến năm 2015 là hoàn tất việc nâng cấp hệ thống lên chuẩn HD. Tiếp theo, cho đến năm 2018, chúng tôi sẽ cố gắng đạt mức 80% dân số Việt Nam sử dụng dịch vụ DTT (truyền hình số mặt đất) với chuẩn HD. Và năm 2020, Việt Nam sẽ tiến hành ngừng hoàn toàn việc phát sóng analog". Ông Tuệ cho biết thêm, bằng nỗ lực của hơn 4.000 cán bộ, nhân viên, VTV tự tin những mục tiêu đã đề ra sẽ sớm hoàn thành và mang lại hiệu quả, góp phần hiện đại hóa công nghệ truyền hình, phục vụ tốt nhất cho đông đảo khán giả trong và ngoài nước.
 
Trong khuôn khổ kỳ họp, VTV đã phối hợp với 14 đài truyền hình quốc tế tổ chức Liên hoan ca nhạc truyền hình vào tối 26/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham gia của các ca sĩ, nhóm nhạc hàng đầu trong khu vực; Lễ trao giải ABU Prizes 2013 cho các tác phẩm truyền hình, phát thanh đặc sắc nhất sẽ được tổ chức tại Khách sạn Daewoo Hà Nội vào tối 28/10; Phiên họp "Nội dung đột phá: Cơ hội và thách thức trong một thế giới công nghệ số phân khúc" diễn ra ngày 29/10; Phiên thảo luận Chuyên đề "Vai trò thiết yếu của tần số đối với PTTH" diễn ra ngày 29/10; và Hội thảo về "Quản lý chất lượng trong phát thanh và truyền hình" diễn ra vào 30/10.