Việt Nam là mô hình phát triển hạ tầng viễn thông để thế giới học hỏi

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay trong tối khai mạc Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World 2021), Hội nghị bàn tròn Bộ trưởng đã diễn ra với chủ đề Cắt giảm chi phí mạng truy cập giá bình dân để tăng tốc chuyển đổi số.

Kết hợp công tư để phát triển hạ tầng viễn thông
Nhận định tại Hội nghị bàn tròn Bộ trưởng, Tổng thư ký ITU Houlin Zhao cho rằng, một nửa thế giới hiện đã được kết nối nhờ công nghệ thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, chúng ta chỉ thực sự đạt tới thước đo thành công khi một nửa còn lại của thế giới cũng được kết nối với giá cả phải chăng nhờ công nghệ.
Để làm được điều này, chúng ta cần phải tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông và đây cũng chính là thách thức mà thế giới phải đối mặt. Phải thu hút nhà đầu tư đến những nơi không phải lúc nào cũng có lãi. Phải tìm cách thu hút nguồn lực đầu tư vốn có giới hạn để phát triển hạ tầng ngành viễn thông. Ngành thông tin và truyền thông cần phải được hỗ trợ về tài chính, đầu tư, thúc đẩy mối quan hệ đối tác trên toàn hệ sinh thái số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn tròn Bộ trưởng.
Việt Nam là một mô hình tốt để các quốc gia trên thế giới có thể học hỏi kinh nghiệm. Việt Nam đã chung tay cùng nhiều nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh trong việc phát triển ngành viễn thông dù đó là những nơi ít thu được lợi nhuận và thường bị các nhà đầu tư khác bỏ qua, Tổng thư ký ITU Houlin Zhao nói.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trong 193 thành viên của ITU có nhiều nước đang phát triển và kém phát triển. Riêng với chuyển đổi số, để triển khai các phương thức làm việc mới, các nước đang phát triển có ít thứ phải thay thế hơn, do đó có thể thay đổi nhanh hơn. 
Trong mọi quốc gia, tổ chức, sự thành công của chuyển đổi số hầu hết phụ thuộc vào lãnh đạo, đặc biệt là các nhà lãnh đạo cao nhất. Các nhà lãnh đạo cần chấp nhận những thay đổi cơ bản trong hoạt động và điều hành của tổ chức. Họ được yêu cầu đưa ra những quyết định khó khăn khi tái cấu trúc, thậm chí trong việc phân bổ lại các nguồn lực, bao gồm cả nguồn nhân lực.
Tại Việt Nam, chuyển đổi số là ưu tiên nhằm phát triển nền kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số, trong đó cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đóng một vai trò quan trọng trong chuyển đổi kỹ thuật số.
"Bộ Thông tin và Truyền thông đang làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để mang tới quyền tiếp cận cho các địa phương còn lại chưa được kết nối Internet, phấn đấu đến cuối năm nay, 100% người dân có thể truy cập Internet. Các thử nghiệm 5G đã được tiến hành từ năm 2020. Quá trình cấp giấy phép thương mại và tần số nên các dịch vụ 5G sẽ có mặt trên toàn quốc vào năm 2022 đang được chuẩn bị tới bước cuối cùng. 
Để thúc đẩy khả năng tiếp cận Internet với giá cả phải chăng, các nhà mạng trong nước đã đưa ra một gói cước đặc biệt trị giá gần 500 triệu USD nhằm hỗ trợ người dân trong nước kết nối trực tuyến trong thời gian bùng phát dịch Covid-19. Vào năm 2023, Việt Nam sẽ tắt mạng 2G để 100% người dùng trên toàn quốc có thể kết nối Internet. Điều này có thể thực hiện được là nhờ sự hợp tác của các nhà sản xuất trong nước, cung cấp smartphone giá rẻ khoảng 30 USD", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định thêm, ở chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số của Việt Nam, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi các dịch vụ công và một số lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế, nông nghiệp, giao thông vận tải, tài chính. Việt Nam nhận được sự hỗ trợ rất mạnh mẽ từ Chính phủ, từ Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo môi trường thuận lợi và huy động mọi nguồn lực cho chuyển đổi số.
Có cùng quan điểm, Bộ trưởng Giao thông, Truyền thông và Công nghệ cao Azerbaijan Rashad Nabiyev cũng nêu rõ Chính phủ có vai trò xương sống trong chuyển đổi số. Các chính phủ có thể tạo ra động lực cần thiết để đầu tư, thúc đẩy đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số thông qua mô hình PTP ở bất cứ nơi nào có thể.
Còn Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Viễn thông của Costa Rica Vega Castillo chia sẻ nước này đang triển khai một kế hoạch quốc gia mới nhằm phát triển viễn thông trong 5 năm tới và trong quá trình này các chính quyền địa phương được cung cấp ngân sách, tạo điều kiện mời gọi doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư chuyển đổi số hóa và hưởng lợi theo mô hình hợp tác công - tư.
Chuyển đổi số là vấn đề toàn cầu
Trao đổi tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trong đại dịch Covid-19, dịch vụ số đã chứng minh những lợi thế về tính linh hoạt, tạo môi trường thuận lợi cho các ý tưởng, sáng kiến để vượt qua khó khăn, thích ứng an toàn với đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.
Do đó, công cuộc chuyển đổi số để xây dựng một thế giới số không phải của riêng một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào và không một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào có thể đứng ngoài tiến trình chuyển đổi số của nhân loại. Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, góp sức toàn cầu. Hợp tác quốc tế về chuyển đổi số, nhất là trong ITU, phải hướng đến mục tiêu xây dựng một thế giới số xanh hơn, toàn diện hơn, công bằng hơn cho tất cả mọi người và tất cả các quốc gia.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là một trong quá trình thay đổi sâu, rộng toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội. Chính phủ các nước cần định hướng, dẫn dắt quá trình này để chuyển đổi số có hiệu quả; phải huy động cao nhất những giá trị mới của không gian số trong mọi mặt đời sống xã hội.
Tuy nhiên, sự dẫn dắt, định hướng của nhà nước cần đi đôi với sự năng động, hiệu quả của thị trường. Vì vậy, hợp tác giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân rất cần được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi. Chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển. Quá trình này chỉ thực hiện thành công khi mỗi người dân tích cực tham gia và được thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. 
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thế giới số phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm chủ quyền số và an toàn, an ninh mạng. ITU cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò là một tổ chức chuyên ngành của Liên Hợp Quốc trong việc định hướng khuôn khổ quốc tế về chủ quyền số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Từng bước vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, Việt Nam đang nỗ lực không ngừng tự thay đổi, đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực. Chính phủ Việt Nam cam kết luôn đồng hành, hợp tác cùng các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp để xây dựng thế giới số. Việt Nam mong muốn hợp tác cùng các nước thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, nhất là hợp tác chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý hiện đại và thu hút đầu tư chất lượng cao, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần