Theo bà Lê Thị Thu Hằng, các dân tộc và cộng đồng quốc tế có lợi ích chung về việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông. Theo đó, việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện trí, trách nhiệm Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) là thiết yếu.
Tàu của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản cùng tàu hải quân Mỹ và Ấn Độ trên biển năm 2019. Ảnh: Reuters |
Trong bối cảnh đó, Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 và chia sẻ quan điểm như đã nêu trong Tuyên bố Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 và Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 53, rằng Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho hay.
Với tinh thần đó, cùng các nước ASEAN, Việt Nam mong rằng, tất cả các nước, trong đó có các nước đối tác của ASEAN sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại và các giải pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, lợi ích chung phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Một lần nữa xin khẳng định, Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết.
Trước đó, vào ngày 19/1, Nhật Bản đã gửi tới Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres công hàm thể hiện lập trường phản đối một số tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông.
Trong công hàm, Nhật Bản ghi rõ như sau: "Nhật Bản, dưới tư cách một thành viên Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), bác bỏ lập trường của Trung Quốc cho rằng "việc vẽ đường cơ sở phân chia lãnh hải do Trung Quốc thực hiện trên các đảo và đá ở Biển Đông là phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế nói chung".
Nhật Bản nhắc lại việc Trung Quốc đề cập tới tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông trong công hàm CML63/2020.
Cùng với đó, Nhật Bản khẳng định: "Tự do hàng hải và hàng không phải được đảm bảo trên biển và trên không xung quanh và trên các thực thể biển được xác định là bãi cạn lúc chìm lúc nổi (low-tide elevation), mà bản thân chúng không có lãnh hải và không phận, như những gì đã được tuyên bố trong phán quyết về Biển Đông ngày 12/7/2016, một phán quyết vốn dĩ là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc đối với tất cả các bên tranh chấp".