Kinhtedothi - Thời gian gần đây, hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam - Nhật Bản ngày càng có nhiều bước tiến sâu rộng về mọi mặt. Nhờ đó, lượng khách cả hai chiều tăng nhanh.
Tuy nhiên, theo Trưởng đại diện Văn phòng tổ chức du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO) Ito Kazuhiro, du khách hai nước mới chủ yếu biết đến điểm đến nổi tiếng tại các TP lớn, trong khi cả Việt Nam và Nhật Bản còn rất nhiều điểm đến hấp dẫn. Vì thế, cả hai bên cần tăng cường công tác thông tin cho du khách.
Thời gian gần đây, Nhật Bản tổ chức rất nhiều hoạt động xúc tiến du lịch tại Việt Nam. Có phải đây là thị trường tiềm năng mà Nhật Bản đang hướng đến, thưa ông?
- Trong 8 tháng của năm 2014, số lượng khách Việt Nam sang Nhật Bản là 80.100 người, tăng 49,1% và gần bằng cả năm 2013, gần gấp đôi so với mức tăng trưởng tổng bình quân tất cả các nước đến Nhật Bản là 26%. Do vậy, Nhật Bản coi Việt Nam như một thị trường đầy hứa hẹn. Nhật Bản muốn duy trì và thậm chí muốn con số đó còn tăng trưởng nhiều hơn thế. Mặt khác, hiện nay, đa số khách Việt Nam mới biết đến 2 TP là Tokyo và Osaka, trong khi Nhật Bản còn có nhiều địa danh du lịch hấp dẫn khác mà các bạn chưa biết đến. Do vậy, chúng tôi muốn đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá để thu hút du khách Việt Nam đến Nhật Bản ngày càng đông hơn và không chỉ đến Tokyo và Osaka.
Du khách Nhật Bản tham quan Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng
Mới đây, Việt Nam đã thành lập Văn phòng đại diện du lịch tại Nhật Bản nhằm hỗ trợ thông tin cho cả DN và du khách 2 nước. Ông đánh giá như thế nào về hoạt động này?
- Ngoài hỗ trợ thông tin cho cả DN và du khách 2 nước, Văn phòng đại diện du lịch của Việt Nam tại Nhật Bản còn đang tiến hành các khóa huấn luyện hướng dẫn viên du lịch. Tôi đánh giá rất cao điều này vì số lượng hướng dẫn viên Việt Nam tại Nhật Bản chưa nhiều và chưa thực sự chuyên nghiệp. Nếu có một cơ quan đào tạo bài bản, chuyên nghiệp thì trong tương lai sẽ đem lại hiệu quả lâu dài cho việc hợp tác du lịch giữa hai quốc gia. Trong tương lai, JNTO chắc chắn sẽ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Đặt mục tiêu đến năm 2017, các DN Việt Nam đưa được khoảng 200.000 khách tới Nhật Bản, Nhật Bản đưa 1 triệu khách đến Việt Nam. Vậy, Việt Nam cần làm gì để thu hút ngày càng đông du khách Nhật Bản?
- Tuy hiện nay số người Nhật Bản đi du lịch có xu hướng giảm, nhưng số người đến Việt Nam lại tăng. Điều này cho thấy, Việt Nam ngày càng hấp dẫn đối với du khách Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện du lịch Việt Nam mới chỉ giới thiệu nổi bật được 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nên trong tiềm thức của đa số du khách Nhật Bản mới chỉ biết đến 2 địa chỉ này. Mặt khác, thông tin về điểm đến còn nhiều hạn chế nên thu hút được ít khách. Trong khi đó, Việt Nam còn có nhiều địa danh đáng đến khác như Huế, Đà Nẵng, Hội An... nhưng chưa được giới thiệu, quảng bá rộng rãi đến với người Nhật Bản. Tôi cho rằng, các bạn nên làm tốt công tác quảng bá, cung cấp nhiều thông tin về du lịch hơn nữa đến người dân Nhật Bản, không chỉ là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Xin ông chia sẻ kế hoạch xúc tiến của JNTO tại Việt Nam trong thời gian tới?
- Kế hoạch xúc tiến của JNTO tại Việt Nam dựa trên nguyên tắc chung là làm cho càng nhiều người Việt Nam biết tới Nhật Bản càng tốt. Tới đây, chúng tôi sẽ tăng cường các đoàn famtrip từ các đơn vị lữ hành Việt Nam đến những địa danh du lịch hấp dẫn của Nhật Bản, những điểm đến chưa từng có trong tour dành cho du khách Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ mời các cơ quan thông tấn, những người có sức ảnh hưởng lớn của Việt Nam sang thăm đất nước chúng tôi để trực tiếp trải nghiệm du lịch, từ đó truyền tải thông tin đến người dân Việt Nam một cách chân thực nhất. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tăng cường tổ chức các chương trình, hoạt động xúc tiến quảng bá giữa hai quốc gia. Bởi tôi cho rằng, yếu tố để du khách quyết định đi hay không đi tới một điểm đến nào đó phụ thuộc phần lớn vào sự truyền miệng. Hầu hết mọi người đều cho rằng sự truyền miệng mang tính xác thực rất cao nên họ sẽ tin theo.
Xin cảm ơn ông!