Việt Nam - “nhà xây dựng hòa bình”

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Việt Nam đã nổi lên như một “nhà xây dựng hòa bình” được công nhận trong lĩnh vực ngoại giao hòa giải hoặc hòa giải.

“Từ một nước phải nhận viện trợ của Liên Hợp quốc (LHQ) để khắc phục hậu quả chiến tranh, đến nay Việt Nam đã vươn lên tham gia sâu rộng và có nhiều đóng góp tích cực, trách nhiệm và toàn diện vào các hoạt động của LHQ”- đó là chia sẻ của Tổng Giám đốc Văn phòng LHQ Tatiana Valoya trong cuộc gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Geneva, Thụy Sĩ hồi tháng 11/2021.
Vượt qua thách thức, tạo dấu ấn riêng
Trong tiến trình “vươn lên” mà bà Valoya đề cập, Việt Nam đã lần đầu tiên được bầu làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhiệm kỳ 2008 - 2009 và cho tới năm 2020 – Việt Nam lần thứ hai được tín nhiệm nhận trọng trách này với số phiếu ấn tượng 192/193. Theo Thời báo Washington, hành trình của Việt Nam cho đến khi được tín nhiệm giao và đảm nhiệm thành công vai trò tại LHQ được thúc đẩy bởi những bước ngoặt trong hợp tác đối ngoại giai đoạn 1995 - 1999, trong đó có bình thường hóa quan hệ ngoại giao, thương mại với Mỹ, xúc tiến hợp tác với các đối tác đa phương như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á.

Cán bộ, chiến sĩ của Việt Nam với các em nhỏ tại Bentiu, Nam Sudan. Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam
Cán bộ, chiến sĩ của Việt Nam với các em nhỏ tại Bentiu, Nam Sudan. Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam

Bên cạnh đó, Việt Nam đã sớm ủng hộ các sáng kiến của LHQ trong nêu bật các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ để giải quyết các xung đột quốc tế thông qua biện pháp hòa bình. Điều này thể hiện rõ qua việc Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ vào đầu năm 2014 cũng như đào tạo nhân viên để cử sĩ quan tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan và Trung Phi.
Việt Nam đã nổi lên như một “nhà xây dựng hòa bình” được công nhận trong lĩnh vực ngoại giao hòa giải hoặc hòa giải. Những thành quả đó là nền tảng cho hành trình đến với những vai trò và đóng góp xa hơn của Việt Nam tại LHQ.
Theo giới phân tích quốc tế, trong hai năm vừa qua, bất chấp đại dịch Covid-19, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao, đặc biệt trên cương vị là thành viên không thường trực của HĐBA LHQ. “Covid-19 đã thay đổi trọng tâm chính sách ngoại giao đa phương của Việt Nam nhưng Việt Nam đã không bỏ phí cơ hội thể hiện sức mạnh ngoại giao của mình” - TS Nicholas Chapman, Đại học Quốc tế Nhật Bản chia sẻ với Kinh tế & Đô thị.
Theo TS Chapman, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Việt Nam đã đặt mục tiêu cải thiện các vấn đề gìn giữ hòa bình, giải quyết hậu quả chiến tranh, biến đổi khí hậu, sự phối hợp giữa LHQ và ASEAN, các vấn đề ở Biển Đông và không thể không nói đến những thách thức về Covid-19. Nghị quyết đầu tiên do
Việt Nam đề xuất trước LHQ là lấy ngày 27/12 hàng năm làm Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh, đã nhanh chóng được thông qua, bên cạnh những đóng góp vào vận động vaccine, thuốc điều trị Covid-19 cho các quốc gia. Việt Nam cũng duy trì một bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan, nơi các bác sĩ Việt Nam tham gia điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Bên cạnh đó, những vấn đề hòa bình khu vực – trọng tâm của HĐBA tiếp tục được Việt Nam tập trung và có đóng góp tích cực.
Bốn đóng góp lớn
Đồng quan điểm về vấn đề này, GS Carl Thayer, chuyên gia từ Đại học New South Wales nhận định, Việt Nam đã tăng cường đóng góp cho Phái bộ LHQ tại Nam Sudan thông qua việc bổ sung nhân sự cho Bệnh viện dã chiến cấp 2. Cùng với đó, Việt Nam lần đầu tiên triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình nữ. Đại diện thường trực của Việt Nam tại LHQ, Đại sứ Đặng Đình Quý đã dẫn đầu một ủy ban tiến hành chuyến đi thực tế đến Nam Sudan vào tháng 11/2021 để theo dõi tiến trình hòa bình, GS Carl Thayer dẫn chứng.
Nhìn chung, theo các nhà phân tích, trong nhiệm kỳ lần này, với 2 lần giữ vị trí Chủ tịch HĐBA luân phiên, (vào tháng 1/2020 và tháng 4/2021), Việt Nam đã tiếp cận từng vấn đề xung đột trước HĐBA một cách độc lập và nhấn mạnh vai trò của việc tuân theo Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, hòa bình, giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ thứ hai của mình với tư cách là Chủ tịch HĐBA,
Việt Nam đã tổ chức 4 cuộc tranh luận qua điện thoại về phòng chống bom mìn, phụ nữ và bạo lực tình dục, hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực và tiểu vùng, cũng như bảo vệ dân thường trong xung đột vũ trang. “Ngoài việc đối phó với xung đột đang diễn ra trên khắp thế giới, Việt Nam đã đóng góp vào vấn đề lớn hơn nhiều là làm thế nào để duy trì trật tự quốc tế bằng cách ngăn ngừa và giải quyết xung đột” - GS Carl Thayer chia sẻ.
Cũng theo GS Carl Thayer, những dấu ấn cụ thể của Việt Nam trong nhiệm kỳ lần này, có thể kể đến 4 sáng kiến lớn. Thứ nhất, Việt Nam đã đưa ra công cụ hỗ trợ cho cuộc tranh luận mở về việc ủng hộ Hiến chương LHQ nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Thứ hai, Việt Nam đã khởi xướng một cuộc họp về hợp tác LHQ - ASEAN với sự tham gia của các Tổng Thư ký của cả hai tổ chức để thảo luận về hợp tác, bao gồm phát triển bền vững và chống khủng bố. Thứ ba, Việt Nam đã tổ chức cuộc họp giữa 5 thành viên thường trực và 10 thành viên không thường trực của HĐBA để chia sẻ những kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình ra quyết định. Thứ tư, Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị quốc tế về tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và duy trì hòa bình.
Có thể nói, tham gia HĐBA LHQ lần thứ hai trong bối cảnh thế giới đang có những diễn biến phức tạp, Việt Nam đã triển khai hiệu quả các hoạt động, hoàn thành khối lượng công việc nặng nề trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ và tạo được dấu ấn riêng. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, có được thành công này là nhờ chúng ta đã luôn kiên định với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Điều này được thể hiện rõ nét qua năng lực điều hành chuyên nghiệp, khéo léo, cân bằng của Việt Nam trong hai lần làm Chủ tịch HĐBA với khả năng thúc đẩy tham vấn trên cơ sở hài hòa lợi ích các bên, hướng tới đoàn kết, đồng thuận trong HĐBA, từng bước đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, trung gian hòa giải trong một số vấn đề phức tạp tại diễn đàn quan trọng hàng đầu về hòa bình, an ninh quốc tế này. Qua đó, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.

 

Trong 2 năm nhiệm kỳ HĐBA, Việt Nam đã đề xuất và được HĐBA thông qua 2 Nghị quyết về Gia hạn các cơ chế tòa án còn tồn đọng và Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu; 3 Tuyên bố Chủ tịch về Tôn trọng Hiến chương LHQ, Tăng cường quan hệ giữa LHQ với các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và Giải quyết hậu quả bom mìn; 1 Tuyên bố báo chí về vụ tấn công khủng bố ở Indonesia; Tuyên bố Hà Nội về Phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Các sự kiện và văn kiện do Việt Nam chủ trì đều nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các nước. Trong đó Nghị quyết về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu được 65 nước và tất cả 15 nước thành viên HĐBA đồng bảo trợ (chỉ có 1% số Nghị quyết của HĐBA có được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên HĐBA ở mức tuyệt đối như vậy). Lần đầu tiên HĐBA đưa ra Tuyên bố Chủ tịch về Hiến chương LHQ; Tuyên bố
Hà Nội được hơn 60 nước đại diện cho 5 châu lục tuyên bố đồng bảo trợ.