Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam nỗ lực thực thi pháp luật về động vật hoang dã

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/1, tại Hà Nội, tổ chức CHANGE phối hợp cùng WildAid đã tổ chức buổi tọa đàm “Việt Nam với những nỗ lực tăng cường thực thi pháp luật về động vật hoang dã”.

Tọa đàm có sự tham gia của 5 vị diễn giả tên tuổi: Trung tướng Trần Văn Độ, Nguyên phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Tiến sĩ Phạm Quý Tỵ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Tiến sĩ Lương Ngọc Trâm, Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao; Ông Nguyễn Khánh Quang - Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan, và Tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Có mặt tại đây còn có các Đại sứ thiện chí, bao gồm Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 Phạm Hương, Á hậu Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2015 Lệ Hằng, và MC Phan Anh.
 Các diễn giả tham gia buổi hội thảo.
Trên toàn cầu, các hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD), vốn được coi là có lợi nhuận chỉ đứng sau buôn lậu ma tuý, vũ khí và buôn người, đang là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiều loài động vật quý hiếm đối diện với nguy cơ tuyệt chủng, điển hình như tê giác, voi, tê tê. Việt Nam không chỉ là một quốc gia tiêu thụ ĐVHD hàng đầu, mà còn là điểm trung chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép xuyên quốc gia. Nhằm tăng cường hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, ngăn chặn các hành vi buôn bán, tiêu thụ ĐVHD, Việt Nam đã và đang nỗ lực trong cả xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật, tổ chức thực thi pháp luật. Năm 2015 Quốc hội khoá XIII đã thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đến tháng 6 năm 2017, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 vừa qua. Với những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến các quy định về quản lý, bảo vệ ĐVHD, BLHS năm 2015 tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể, đầy đủ hơn cho đấu tranh phòng chống các loại tội phạm về buôn bán ĐVHD.
 Các đại sứ của chương trình.
Sau 4 năm hợp tác thực hiện hàng loạt các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức để giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ các loài hoang dã nguy cấp như tê giác, tê tê và voi tại Việt Nam, CHANGE và WildAid nhận thức rõ sự cần thiết của thực thi pháp luật trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng về buôn bán ĐVHD. Bắt đầu từ đầu năm 2018, hai tổ chức này sẽ triển khai thêm các hoạt động mới nhằm hỗ trợ chính phủ Việt Nam tăng cường thực thi pháp luật bảo vệ ĐVHD. Buổi tọa đàm “Việt Nam với những nỗ lực tăng cường thực thi pháp luật về động vật hoang dã” là sự kiện đầu tiên trong chuỗi hoạt động này, có mục tiêu đưa thông tin về các điều luật mới nhất về ĐVHD trong BLHS 2015 đến với công chúng, giúp người dân nhận thức rõ được tính bất hợp pháp của việc buôn bán và tiêu thụ ĐVHD, hiểu được những khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật, cũng như góp phần nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về vấn đề bảo vệ ĐVHD.
Phát biểu khai mạc, ông John Baker, Giám đốc Chương trình WildAid nói: “Chúng tôi vô cùng vui mừng vì Bộ luật Hình sự mới sẽ đảm bảo các loài động vật hoang dã sẽ được bảo vệ tốt hơn, và mong chờ được hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam trong quá trình thực thi bộ luật mới. Những hình phạt tăng nặng trong BLHS 2015 chắc chắn sẽ làm nhụt chí những kẻ có ý định kiếm lời phi pháp từ buôn bán ĐVHD. Một khi những thay đổi này có hiệu lực, Việt Nam sẽ cùng với các quốc gia tiên phong khác, đóng góp hiệu quả vào nỗ lực toàn cầu chấm dứt vấn nạn buôn bán trái phép ĐVHD”.
Trong phần toạ đàm, ông Phạm Quý Tỵ đã có những chia sẻ về thực trạng thi hành Điều 190, BLHS năm 1999.
 
Ông Trần Văn Độ đưa ra những nhận xét khái quát và đánh giá sự phát triển chính sách pháp luật của chính phủ về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, cũng như các quy định của pháp luật hiện hành. Ông Nguyễn Đức Hạnh chỉ ra những quy định mới của BLHS năm 2015 so với BLHS năm 1999 về tội phạm liên quan đến bảo vệ ĐVHD (Điều 234 và Điều 244 BLHS năm 2015), và đề cập tới những thách thức và giải pháp để phòng, chống các tội phạm liên quan đến ĐVHD từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng. T

Một số điểm thay đổi nổi bật trong Bộ Luật hình sự sửa đổi đó là các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã có thể bị phạt tù tới 15 năm. Trước đây tối đa chỉ là 7 năm. Ngoài ra, có thể bị phạt tới 5 tỷ đồng đối với cá nhân. Còn với pháp nhân, tức các tổ chức, đơn vị, mức phạt tới 15 tỷ đồng.

Các ý kiến tại cuộc hội đàm cho rằng những hình phạt tăng nặng trong Bộ luật hình sự sửa đổi sẽ làm nhụt chí những đối tượng có ý định kiếm lời phi pháp từ buôn bán động vật hoang dã. Khi những thay đổi này được thực thi thì Việt Nam sẽ đóng góp hiệu quả hơn vào nỗ lực toàn cầu chấm dứt vấn nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã.

iếp nối mạch thông tin này, bà Lương Ngọc Trâm thảo luận sự cần thiết phải có nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành Điều 234 và Điều 244 BLHS 2015 và sửa đổi bổ sung Nghị định 32/2006/NĐ-CP và các nghị định liên quan khác. Ông Nguyễn Khánh Quang thì đưa ra những cam kết mạnh mẽ của Tổng cục Hải quan trong việc đẩy mạnh việc phát hiện và thu giữ các sản phẩm từ ĐVHD vận chuyển trái phép qua các cửa khẩu. Các diễn giả cùng chia sẻ quan điểm rằng BLHS năm 2015, với những mức phạt nghiêm khắc, sẽ góp phần răn đe và phòng ngừa hiệu quả tội phạm từ ĐVHD. Các diễn giả cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thực thi pháp luật, cũng như đánh giá cao sự hỗ trợ ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học và những người dân quan tâm đến vấn đề này.

Cũng trong phần phát biểu của mình, ông John Baker đã vinh danh Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, và chia sẻ dự định của WildAid trao cho đơn vị này Giải thưởng “Đấu tranh cho động vật hoang dã” (WildAid Wildlife Champion Award), vì những nỗ lực trong việc phát hiện và thu giữ 7 tấn ngà voi cùng hàng trăm kg vảy tê tê bị buôn lậu trái phép qua cửa khẩu trong thời gian gần đây.

Các đại sứ thiện chí MC Phan Anh, Hoa hậu Phạm Hương, Á hậu Lệ Hằng, cũng có những phần chia sẻ cởi mở và chân tình tại sự kiện. Hai bộ phim ngắn “Sự biến mất của những gã khổng lồ”, nói về loài voi và tình trạng buôn lậu ngà voi, với sự tham gia của Phạm Hương - Lệ Hằng, và phim “Những kẻ sống sót”, nói về loài tê giác và tình trạng buôn lậu sừng tê, với sự tham gia của MC Phan Anh, cũng đã được giới thiệu tại sự kiện, gửi thông điệp mạnh mẽ kêu gọi cộng đồng Việt Nam chung tay bảo vệ hai loài vật tuyệt vời này cùng thế giới.