Dự thảo đã được chia thành từng giai đoạn, đồng bộ về thời gian với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm của quốc gia; xây dựng các mục tiêu cụ thể cần đạt được cho từng giai đoạn; có định hướng và giải pháp thực hiện phù hợp. Theo đó, các giải pháp của dự thảo hướng tới việc giải quyết được các vấn đề về tổ chức kênh phân phối; loại hình, phương thức kinh doanh; kết cấu hạ tầng thương mại; các loại hình DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh phù hợp với tính chất, đặc điểm của thị trường theo ngành hàng, theo khu vực. Qua đó góp phần hỗ trợ DN nhỏ và vừa của Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường…
Dự thảo cũng được xây dựng trên cơ sở phù hợp với các nội dung cam kết với WTO và các hiệp định thương mại song phương, đa phương khác mà Việt Nam đã và đang ký kết liên quan đến mở cửa thị trường dịch vụ phân phối.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong những năm qua, thương mại trong nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho Nhân dân và góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. Trong giai đoạn từ năm 2006 - 2018, mặc dù đầu tư từ nguồn ngân sách còn hạn chế nhưng đóng góp bình quân của thương mại trong nước trong GDP đều đạt mức trên 10%/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 12-13% tổng lao động xã hội (đứng thứ ba sau ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo). Tính chung từ 2006 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5 - 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP trong cùng thời kỳ…
Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam vẫn thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ban hành Chiến lược phát triển thương mại trong nước sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam, nhất là các DN vừa và nhỏ. Chiến lược phát triển thương mại trong nước cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước thông qua việc kết nối các nhà sản xuất với các kênh phân phối, kết nối khu vực nông thôn với khu vực thành thị, đẩy mạnh liên kết chuỗi sản phẩm…
Tại hội nghị, nhiều ý kiến hữu ích từ các cơ quan quản lý nhà nước cũng như từ các hiệp hội, tổ chức kinh tế - xã hội, cộng đồng DN, các chuyên gia đã được chia sẻ để xây dựng Chiến lược bảo đảm tính toàn diện, với phạm vi rộng và bao quát được hết những vấn đề cơ bản trong phát triển thương mại trong nước, bảo đảm sự tiếp nối phù hợp và thống nhất trong tổng thể định hướng chung về phát triển thương mại trong nước của Việt Nam từ những giai đoạn trước tới nay.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ được Bộ Công Thương trân trọng tiếp nhận và tổng hợp, trên cơ sở đó Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện Dự thảo Chiến lược, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.