“Công xưởng” mới của Apple
Tuần vừa qua, trang Nikkei Asia đã đăng tải tin tức rất đáng chú ý, Apple đang trong quá trình đàm phán để sản xuất các sản phẩm gồm Apple Watch và máy tính xách tay Macbook tại Việt Nam. Trang tin tức này cũng đánh giá đây là "bước tiến thắng lợi" của Việt Nam trong quá trình đa dạng chuỗi sản xuất sản phẩm của Apple bên ngoài thị trường Trung Quốc.
Được biết, trước đó, hai đối tác sản xuất sản phẩm hàng đầu của Apple là Luxshare và Foxconn đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch tại nhà máy của mình ở Việt Nam. Theo nhận định, quá trình sản xuất này sẽ giúp ích đáng kể trong việc nâng cao kinh nghiệm của ngành công nghiệp trong nước, bởi chiếc đồng hồ thông minh này đòi hỏi trình độ lắp ráp cũng như chế tác rất cao bởi chứa nhiều linh kiện tinh vi và hiện đại.
Bên cạnh đó, Nikkei Asia cho biết thêm, Apple đang có kế hoạch để tiếp tục chuyển dần dây chuyền sản xuất máy tính bảng iPad và loa thông minh HomePod sang Việt Nam. Nguyên nhân nằm ở việc nhà máy sản xuất các thiết bị trên ở Thượng Hải (Trung Quốc) đang bị gián đoạn hoạt động do các lệnh phong tỏa Covid-19.
Trên thực tế, ngay từ năm 2020, Apple đã bắt đầu sản xuất các thiết bị của mình tại Việt Nam với sản phẩm tai nghe AirPods. Hiện, Apple đang có 3 đối tác chuyên cung ứng các dòng Airpods, trong đó, Luxshare và Goertek đều có nhà máy ở Bắc Giang, còn Inventec cũng đang trong quá trình tìm hiểu để xây dựng cơ sở của mình tại miền Bắc.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Apple chú ý tới Việt Nam là do ngay từ năm 2019, hãng này đã có chiến lược đa dạng hóa chuỗi sản xuất nhằm giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc do tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà trong đó chủ yếu là chính trị. Và AirPods chính là minh chứng đầu tiên cho chiến lược này.
Nếu như năm 2018, Apple mới chỉ có 14 nhà máy sản xuất tại Việt Nam, thì chỉ 2 năm sau đó (2020), con số này đã tăng lên 22 và hiện tại là 31 nhà máy với số lượng công nhân lên đến 160.000 lao động. Các đối tác chính của hãng gồm Foxconn, Pegatron, Luxshare và Goertek cũng đều đầu tư lớn và mở nhiều nhà máy tại các tỉnh thành trên cả nước.
Nhiều khả năng, trong tương lai Việt Nam sẽ tiếp tục có vai trò càng lớn hơn nữa trong chuỗi sản xuất sản phẩm của Apple. Điều này có thể thấy rõ trong chuyến thăm và làm việc tại trụ sở của Apple (California, Mỹ) của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hồi tháng 5/2022 vừa qua.
Tại cuộc gặp gỡ giữa các bên, CEO của Apple Tim Cook đã bày tỏ mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam, phối hợp với các doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi giá trị của Apple. Đồng thời, sẽ tích cực xem xét việc tăng số lượng nhà cung ứng nội địa và nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ và hàng hóa nội địa cao hơn trong các sản phẩm của Apple trong thời gian tới.
Nâng hạng thị trường Việt
Không chỉ được Apple xác định là “công xưởng” quan trọng, Việt Nam hiện cũng đang là một thị trường trọng điểm của hãng này. Theo báo cáo kinh doanh quý II/2022, Việt Nam là một trong 3 thị trường có kết quả kinh doanh tốt nhất của Apple trên toàn cầu. Dự kiến, trong năm 2022, tổng giá trị các sản phẩm của Apple bán ra tại Việt Nam sẽ đạt ngưỡng 2 tỷ USD.
Cũng theo các số liệu thống kê, nếu chỉ tính riêng trong mảng điện thoại di động cao cấp thì hiện Apple đang đứng số 1 tại thị trường Việt Nam với xấp xỉ 80% thị phần. Đồng thời, tốc độ tăng tưởng cũng ở mức cao nhất khi từ 7% năm 2020 đã lên tới 9,8% tính cho đến hết quý I/2022.
Nhìn nhận được tiềm năng đang ngày một rõ rệt, hiện Apple đang có kế hoạch nâng hạng thị trường Việt Nam lên bậc 2 khu vực Đông Nam Á, cùng hạng với Thái Lan và chỉ kém duy nhất Singapore. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dùng trong nước sẽ được tiếp cận với các sản phẩm mới của Apple sớm hơn, thay vì phải đợi hàng tháng sau khi những thiết bị này ra mắt, chế độ hậu mãi và bảo hành cũng được cung cấp đúng chuẩn của hãng hơn….
Bên cạnh đó, trong khoảng 2 năm trở lại đây, Apple đã liên tục tuyển dụng nhân sự của hãng tại Việt Nam. Trong đó, chủ yếu là các vị trí thuộc nhóm quản lý vận hành và phát triển kinh doanh. Đặc biệt, vào đầu tháng 8/2022 vừa qua, Apple đã bổ nhiệm cựu CEO của Grab Việt Nam Nguyễn Thái Hải Vân làm Giám đốc quốc gia tại Việt Nam, sau nhiều năm chỉ có Giám đốc phụ trách vùng.
Với những động thái trên, nhiều khả năng trong thời gian tới Apple sẽ chính thức mở Apple Store, cửa hàng bán lẻ chính thức của hãng tại Việt Nam. Nếu điều này xảy ra, đây chính là sự công nhận quan trọng của Apple đối với thị trường Việt Nam.
Đánh giá về xu hướng dịch chuyển dần nhà máy sang Việt Nam của Apple, chuyên gia kinh tế Đỗ Khoa Tân cho rằng, đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho việc nước ta đang dần trở thành địa điểm sản xuất điện thoại, máy tính bảng và các sản phẩm công nghệ chất lượng cao toàn cầu.
Với việc những tập đoàn công nghệ đầu tư vào Việt Nam như Apple hay trước đó là Samsung không chỉ đơn thuần là thu hút được thêm vốn đầu tư mà còn là cơ sở quan trọng để các tên tuổi lớn khác tiếp tục rót nguồn vốn mới. Đi kèm với đó là các trung tâm nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ, từ đó, sẽ giúp nâng cao chất lượng lao động trong nước, tạo ra nhiều nhân sự từ phổ thông đến tầm trung hoặc thậm chí là cao cấp.
Đối với các doanh nghiệp trong nước, việc Apple mở nhà máy sẽ kéo theo nhu cầu tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước, đây chính là cơ hội của doanh nghiệp Việt. Nếu doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào cũng như gia tăng được hàm lượng Made in Vietnam đối với các sản phẩm trong chuỗi sẽ giúp mang lại giá trị lớn hơn nhiều so với gia công, lắp ráp thông thường, ông Đỗ Khoa Tân chia sẻ.