KTĐT - Việt Nam cần tiếp tục mục tiêu tăng trưởng chất lượng thay vì chạy theo số lượng. Và đây chính là cách để Việt Nam thoát ra khỏi nguy cơ bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình.” Tuy nhiên, đây là công việc rất khó khăn đòi hỏi một quyết tâm mạnh mẽ cũng như sự kiên định của Chính phủ.
“Bẫy thu nhập trung bình” và lạm phát cao đang là những thách thức lớn đe dọa nhiều quốc gia ở châu Á.
Trong khi đó, Việt Nam vừa mới thoát khỏi danh sách các nước có mức thu nhập thấp để chuyển sang nước có mức thu nhập trung bình; tăng trưởng kinh tế thời gian qua chủ yếu dựa vào tăng trưởng vốn đầu tư và các lợi thế về tài nguyên, mà chưa thực sự bắt nguồn từ giá trị do chính người dân và doanh nghiệp trong nước tạo ra.
Tại Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44, ngày 6/5, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn Tổng Giám đốc Điều hành ADB Rajat Nag về những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt và vượt qua để thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình."
- Cả IMF và EU đều khẳng định rằng Việt Nam đang hội tụ nhiều bất lợi và dễ mắc vào “bẫy thu nhập trung bình.” Xin ông cho biết quan điểm của ADB về nhận định này?
Ông Rajat Nag: Tôi nghĩ rằng tất cả các nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình đều rất dễ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” và Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Nhưng tôi tin rằng Việt Nam có thể thoát ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình” nếu sớm có các giải pháp và quyết tâm mạnh mẽ.
Tôi cũng nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam đã nhận ra thách thức này và ngay từ đầu năm 2011 đã thông qua một chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cho cả giai đoạn 2011-2020, nhằm đối phó tốt hơn với các thách thức.
Theo đó, Chính phủ Việt Nam đặt quyết tâm tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng còn yếu kém hiện nay. Chúng tôi đánh giá cao chiến lược đúng hướng này của Việt Nam.
Tôi cũng nghĩ rằng Việt Nam cần tiếp tục mục tiêu tăng trưởng chất lượng thay vì chạy theo số lượng. Và đây chính là cách để Việt Nam thoát ra khỏi nguy cơ bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình.” Tuy nhiên, đây là công việc rất khó khăn đòi hỏi một quyết tâm mạnh mẽ cũng như sự kiên định của Chính phủ.
- Vậy ông có thể đưa ra những khuyến nghị cụ thể hơn nhằm giúp Việt Nam tránh khỏi “bẫy thu nhập trung bình”?
Ông Rajat Nag: Đầu tiên, Việt Nam cần triển khai ngay việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội bằng những chương trình và giải pháp cụ thể. Tôi cũng tin tưởng Việt Nam sẽ có thể thoát khỏi bẫy nguy hiểm này bởi đã nhìn nhận đúng thách thức. Theo tôi, Việt Nam nên tập trung vào giải quyết các vấn đề bất bình đẳng trong xã hội để mọi người dân Việt Nam đều được thụ hưởng những thành quả của tăng trưởng kinh tế mang lại.
Tôi phải nhấn mạnh các nhà lãnh đạo của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, cần nâng cao năng lực quản trị điều hành đất nước. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, trong đó cần tập trung chống lại nạn tham nhũng, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng dịch vụ công trong xã hội.
Vấn đề quan trọng thứ ba mà Chính phủ Việt Nam đã nhận ra là phải quyết tâm phát triển kinh tế theo mô hình “tăng trưởng xanh.” Với đặc điểm địa lý có hàng nghìn km bờ biển chạy dọc đất nước, hiện biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, với những trận bão, lũ, hạn hán... xảy ra thường xuyên.
Vì vậy, việc thiết lập ngay các bước đi cụ thể để đảm bảo tăng trưởng xanh, tăng trường bền vững và bảo vệ môi trường là đòi hỏi cấp thiết với Chính phủ Việt Nam. Tôi biết rằng Chính phủ Việt Nam đã đạt được sự nhất trí cao về mô hình tăng trưởng này và đang bắt tay vào thực hiện các công việc cụ thể.
- Hiện Việt Nam đang quyết liệt chống lại lạm phát cao. Xin ông cho biết nguyên nhân chính gây ra lạm phát hiện nay tại Việt Nam là gì? Việc dòng vốn nóng đang đổ vào khu vực bất động sản thay vì đổ vào khu vực sản xuất có phải là một nguyên nhân quan trọng khiến lạm phát tại Việt Nam tăng cao?
Ông Rajat Nag: Đúng là dòng vốn nóng đổ vào châu Á đang là một trong những nguyên nhân khiến giá cả bị đẩy lên cao, khiến lạm phát tiêu dùng gia tăng, nhưng trường hợp của Việt Nam hơi khác.
Tại Việt Nam, nguồn cung hiện không đáp ứng đủ cầu. Trong khi nhu cầu gia tăng do tăng trưởng kinh tế, năng lực sản xuất hiện nay không đủ để theo kịp với sự gia tăng của nhu cầu. Và khi cung không đáp ứng được cầu sẽ khiến cho giá cả bị đẩy lên.
Thêm vào đó, Việt Nam là một nền kinh tế mở. Trong hoạt động thương mại với bên ngoài, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu một phần lạm phát ở bên ngoài, nên dòng vốn nóng cũng là một vấn đề nhưng không phải là nguyên nhân chính.
Theo tôi, vấn đề chính là cung-cầu không đồng bộ. Một lý do lớn khác của lạm phát là giá lương thực tăng cao, cú sốc giá dầu, đây là những yếu tố nhập khẩu vào các nước như Việt Nam. Ngoài ra, sự không hiệu quả trong hệ thống phân phối, nhất là với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm… cũng là nguyên nhân gây ra lạm phát tại Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng bản thân dòng vốn nước ngoài không có gì là không tốt cả, mà quan trọng là nó đi vào đâu, nếu nó đi vào đầu tư sản xuất lâu dài thì điều đó hoàn toàn tốt. Nếu nó đi vào thị trường chứng khoán và biến động thất thường thì lại không tốt. Đây là một vấn đề Việt Nam cần phải theo dõi, nhưng không quá lo ngại về nó.
- Giá lương thực và dầu đã tăng rất mạnh và tác động đến lạm phát tại nhiều nước trên thế giới. Vậy, tại sao chỉ một số quốc gia như Việt Nam lại có lạm phát cao đến thế?
Ông Rajat Nag: Có chứ, một số nước có lạm phát từ lương thực cao hơn mức lạm phát trung bình của thế giới. Việt Nam tất nhiên là một trong các nước như vậy. Nhưng như tôi nói, Việt Nam đang đối mặt với vấn đề hạn chế nguồn cung.
Và ở Việt Nam, Chính phủ đã bắt đầu có quyết sách bằng việc triển khai quyết liệt Nghị quyết 11, trong đó thực thi đồng thời hai chính sách là thắt chặt tiền tệ và tài khóa. Chính phủ cũng bắt đầu xem xét lại sự thâm hụt từ đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tạo ra chi phí giao dịch tăng trong vận chuyển hàng hóa.
Việt Nam đang đối mặt với tình trạng lạm phát nghiêm trọng, nhưng chúng tôi cảm nhận là Chính phủ đã nhận ra mức độ của vấn đề và đang có các đối sách xử lý đúng hướng.
- Trong Nghị quyết 11, các biện pháp chủ yếu cho đến nay vẫn là thắt chặt chính sách tiền tệ. Theo ông, những động thái này đã đủ để kiềm chế lạm phát tại Việt Nam chưa?
Ông Rajat Nag: Tôi nghĩ là không công bằng khi nói chỉ có chính sách tiền tệ. Nghị quyết 11 củu Chính phủ Việt Nam là một gói giải pháp. Không chỉ chính sách tiền tệ, Chính phủ còn quan tâm đến chính sách tài khóa, đưa ra các biện pháp tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước để giảm các chi phí ngầm.
Việc thực hiện các giải pháp này cần phải có thời gian. Tôi nghĩ, vấn đề chính về lạm phát ở Việt Nam là về nguồn cung. Vì vậy, các biện pháp Việt Nam thực hiện để tăng năng suất, thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng nguồn cung hàng hóa đều quan trọng và điều này cần thời gian.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!