Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: Cơ hội khẳng định vai trò của Công đoàn

Thủy Tiên (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam hiện là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA). Vấn đề lao động là một trong số các yếu tố làm nên chất lượng cho các bản FTA mới này. Điều đó cũng đặt ra vấn đề cần có những điều chỉnh của tổ chức Công đoàn cho phù hợp với xu thế thế giới.

Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) Lê Đình Quảng.
Nhân kỷ niệm 134 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5), phóng viên Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) Lê Đình Quảng về vấn đề này.
Thưa ông, vấn đề lao động, công đoàn trong Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mà Việt Nam đã tham gia được quy định như thế nào?
- Tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về lao động là nội dung luôn được đề cập đến trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Cũng như các FTA thế hệ mới khác, Hiệp định CPTPP (và cả EVFTA) không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chỉ khẳng định lại và yêu cầu các nước thành viên phải có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực thi các tiêu chuẩn lao động được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.
Các tiêu chuẩn lao động được nêu trong Tuyên bố năm 1998 bao gồm: (1) Tự do hiệp hội và công nhận hiệu quả của quyền thương lượng tập thể; (2) loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; (3) bãi bỏ hiệu quả lao động trẻ em; (4) xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.
Đối với Việt Nam, vấn đề tự do hiệp hội là vấn đề phức tạp và được các nước thành viên thảo luận kỹ lưỡng. Theo đó, Việt Nam cũng như tất cả các nước thành viên phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động (NLĐ) trong việc thành lập và gia nhập "tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp" (ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam).
Tổ chức này chỉ sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký theo một quy trình minh bạch mới chính thức được hoạt động. Hoạt động của tổ chức của NLĐ tại DN phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động đã được đăng ký.
Để thực hiện cam kết đó, chúng ta đã nội luật hóa bằng việc bổ sung các quy định về tổ chức của NLĐ tại DN ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam vào trong Bộ Luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021.
Với những cam kết như vậy về lao động, công đoàn trong Hiệp định CPTPP và EVFTA sẽ có tác động như thế nào đối với tổ chức Công đoàn, thưa ông?
- Việc chúng ta cho phép "Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại DN", thì đây là lần đầu tiên vấn đề "đa công đoàn" được quy định và áp dụng tại Việt Nam.
Điều này sẽ làm thay đổi cơ bản nhận thức, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, giá trị cốt lõi, truyền thống của tổ chức Công đoàn đã được hình thành và khẳng định trong thực tế hơn 90 năm. Vì vậy, những cam kết về lao động, công đoàn trong CPTPP và EVFTA là những thách thức hết sức lớn đối với Công đoàn Việt Nam.
Tuy nhiên, áp lực lớn này cũng chính là cơ hội để Công đoàn Việt Nam đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng hoạt động, thu hút và xây dựng mối quan hệ bền vững với đoàn viên, NLĐ, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.
Người lao động làm việc tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Chiến Công
Trong bối cảnh đó, vai trò của tổ chức Công đoàn được thể hiện thế nào trong việc bảo vệ quyền của người lao động, thưa ông?
- Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 của Ban Chấp hành T.Ư đã nêu rõ vai trò của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Đó là, đổi mới tổ chức, hoạt động của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; tạo điều kiện về nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, thu hút NLĐ và tổ chức của NLĐ tại DN tham gia Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Đại hội XII Công đoàn Việt Nam xác định, phải xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng trong bối cảnh mới, là tổ chức đại diện lớn nhất, chỗ dựa tin cậy của NLĐ, thành viên tích cực trong hệ thống chính trị. Đại hội cũng xác định một trong những khâu đột phá là tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLĐ, coi đây là nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn.
Theo đó, tổ chức Công đoàn phải tập trung nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, coi đây là phương thức bảo vệ NLĐ từ xa, trên diện rộng và hiệu quả. Đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng và đối thoại, hướng tới thực chất và hiệu quả. Nâng cao chất lượng, kịp thời phổ biến, tư vấn, hỗ trợ NLĐ về pháp luật, nhất là trong các vụ khởi kiện tại tòa án. Tăng cường vai trò của Công đoàn trong công tác tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với NLĐ.
Rõ ràng việc tham gia những FTA thế hệ mới giúp Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế nhưng cũng đặt ra những thách thức rất lớn khi chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta còn hạn chế. Ở góc độ Công đoàn, theo ông cần phải làm gì để nâng cao năng lực, trình độ cho người lao động, góp phần quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia?
- Tham gia FTA thế hệ mới đồng nghĩa với việc chúng ta tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cơ hội để NLĐ có nhiều việc làm và việc làm có chất lượng cao được tăng lên. Bên cạnh đó, NLĐ có nhiều cơ hội để học hỏi nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề cũng như được đảm bảo quyền lợi tốt hơn bởi các tiêu chuẩn lao động quốc tế được thực thi nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực của chúng ta tuy dồi dào song chất lượng thấp, kỹ năng làm việc, nhất là kỹ năng mềm, kỹ năng hợp tác, kỹ năng giải quyết vấn đề... còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Để nâng cao năng lực, trình độ cho NLĐ, góp phần quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Công đoàn Việt Nam đã tham gia với các cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng chính sách pháp luật có liên quan như các chính sách thu hút đầu tư, chính sách đào tạo nguồn lực, các khung chương trình đào tạo cụ thể, khắc phục những tồn tại hạn chế của nguồn nhân lực.
Các cấp Công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở đã tham gia, thương lượng với hàng ngàn người sử dụng lao động để có chính sách đào tạo và đào tạo lại được đưa vào Thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế nội bộ của DN.
Các trường thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Công đoàn, hệ thống các trường dạy nghề của Công đoàn cũng đổi mới mạnh mẽ trong chương trình, nội dung đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo cho NLĐ đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập.
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trong thời gian qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã tổ chức rất nhiều hoạt động chăm lo cho người lao động, điển hình như: Chương trình "Tết sum vầy", chuyến xe nghĩa tình, hỏi thăm động viên người lao động có hoàn cảnh khó khăn...

Ngay trong đợt dịch Covid-19, ngoài các hoạt động thăm hỏi, động viên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang dành khoảng 500 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm các khoản chi, kết hợp với gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ của Chính phủ để nhằm chăm lo cho đoàn viên công đoàn, người lao động gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.