70 năm giải phóng Thủ đô

Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động Pháp ngữ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để đóng góp tích cực cho hội nghị lần thứ 14, cùng với các nước châu Phi, nhất là Cộng hòa Trung Phi, Việt Nam đã tham gia tích cực vào việc soạn thảo văn kiện gọi là "Các yếu tố Pháp ngữ trong tiến trình thực hiện hợp tác ba bên" và văn bản này sẽ được thông qua tại Hội nghị cấp cao này.

Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động Pháp ngữ - Ảnh 1

Đại sứ Dương Văn Quảng, đại diện Việt Nam bên cạnh tổ chức Pháp ngữ (OIF), đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Pháp. (Nguồn: px Paris)
 

Trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 14 tại Kinshasa, thủ đô Cộng hòa Dân chủ Congo (RDC) từ 10 đến 14/10, Đại sứ Dương Văn Quảng, đại diện Việt Nam bên cạnh tổ chức Pháp ngữ (OIF), đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Pháp, về những đóng góp của Việt Nam vào sự phát triển của Cộng đồng Pháp ngữ nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

- Xin chào đại sứ, trước thềm diễn ra hội nghị thượng đỉnh lần 14 của cộng đồng Pháp ngữ, xin đại sứ cho biết những nội dung cơ bản sẽ được đề cập đến trong Hội nghị thượng đỉnh lần này?

Đại sứ Dương Văn Quảng: Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Pháp ngữ (lần thứ 14) sẽ diễn ra từ 10/10 đến 14/10, tại Kinshasa, thủ đô Cộng hòa Dân chủ Congo, sẽ có ba hoạt động chính đó là, họp Hội đồng thường trực Pháp ngữ (10/10), Hội nghị Bộ trưởng các nước Pháp ngữ (11/10), và Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ sẽ được tổ chức trong hai ngày 13-14/10.

Chủ đề Hội nghị là "Pháp ngữ, những thách thức về môi trường, kinh tế đối mặt với sự quản trị toàn cầu."

Ngoài phiên khai mạc, phiên họp toàn thể, sẽ tiến hành các buổi họp kín mang tính chất chuyên đề như "tình hình chính trị thế giới.""ngôn ngữ tiếng Pháp đa dạng văn hóa và giáo dục," "các thách thức về môi trường, kinh tế" và "Châu Phi trong Pháp ngữ và trong quản trị thế giới."

Văn kiện quan trọng nhất của Hội nghị sẽ được các vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ thông qua là một tuyên bố chung mang tên Tuyên bố Kinshasa.

- Đại sứ đánh giá như thế nào về đóng góp của Việt Nam đối với sự phát triển của cộng đồng Pháp ngữ nói chung cũng như là cộng đồng Pháp ngữ ở Việt Nam nói riêng?

Đại sứ Dương Văn Quảng: Việt Nam là một trong những nước tham gia thành lập khối các nước Pháp ngữ vào năm 1970 khi ký công ước thành lập Cơ quan hợp tác văn hóa và kỹ thuật tại Niger. Từ đó đến nay, Việt Nam tham gia tất cả các hoạt động của cộng đồng Pháp ngữ, nhất là 14 Hội nghị cấp cao, từ Hội nghị đầu tiên năm 1986 đến nay là lần thứ 14 tại Kinshasa.

Đặc biệt, Việt Nam đã tổ chức một hội nghị rất quan trọng là Hội nghị cấp cao lần 7 năm 1997 tại thủ đô Hà Nội. Đây là một Hội nghị đánh dấu bước ngoặt về mặt xây dựng thể chế của Pháp ngữ vì tại Hà Nội, tổ chức Pháp ngữ đã sửa đổi, nâng công ước thành lập ACCT năm1970 thành Hiến chương Pháp ngữ và tổ chức Pháp ngữ quốc tế ra đời.

Cũng tại Hà Nội một sự kiện vô cùng quan trọng đã ghi dấu ấn trong lịch sử Pháp ngữ, đó là Tổng thư ký Pháp ngữ đầu tiên đã được bầu. Điều quan trọng nữa là Hội nghị Cấp cao lần  thứ 7 đã lập ra một mảng hoạt động mới trong Pháp ngữ, đó là lĩnh vực kinh tế (volet économique). Từ đó, tạo nên nền móng cho việc ra đời một hình thái mới trong hợp tác giữa các nước Pháp ngữ - hình thái hợp tác ba bên (một bên đóng góp về tài chính- một bên thực thi dự án-một bên thụ hưởng).

Việt Nam là một trong những nước tham gia tích cực và hiệu quả hợp tác ba bên này. Mới đây nhất, để đóng góp tích cực cho hội nghị lần thứ 14, cùng với các nước châu Phi, nhất là Cộng hòa Trung Phi, Việt Nam đã tham gia tích cực vào việc soạn thảo văn kiện gọi là "Các yếu tố Pháp ngữ trong tiến trình thực hiện hợp tác ba bên"  và văn bản này sẽ được thông qua tại Hội nghị cấp cao này.

Việt Nam luôn chú trọng đến việc giảng dạy tiếng Pháp. Mặt khác, là thành viên của tổ chức Pháp ngữ Việt Nam đã thực hiện tất cả những nghĩa vụ với tổ chức này. Đây còn là một diễn đàn đối thoại rất tốt để phát triển quan hệ song phương với các nước châu Âu, các nước ở Bắc Mỹ  và các nước châu Phi và phát triển các quan hệ hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục với các nước thành viên khác.

- Thưa đại sứ, trước quá trình hội nhập khu vực và quốc tế vô cùng sâu sắc, tiếng Anh trở thành là một ngôn ngữ chính, số người sử dụng tiếng Pháp ngày một giảm. Vậy theo ông, Việt Nam sẽ phải làm gì để phát triển cộng đồng Pháp ngữ ở trong nước?

Đại sứ Dương Văn Quảng:  Trong quá trình toàn cầu hóa, chúng ta không thể không thừa nhận vai trò của tiếng Anh trong giao tiếp và giao lưu văn hóa.

Cùng với đó, cũng do vấn đề toàn cầu hóa sự giao lưu văn hóa, ngôn ngữ và chuyển dịch thông tin diễn ra rất nhanh, sẽ dẫn đến nguy cơ hay tình trạng đơn nhất hóa hoặc cá thể hóa các thứ tiếng, nghĩa là dần dần bản sắc văn hóa riêng biệt của mỗi nước có nguy cơ sẽ mất đi, chỉ còn bản sắc văn hóa của một nền văn hóa nổi trội nhất. Ngôn ngữ cũng có nguy cơ như vậy.

Cho nên hiện nay, Tổ chức Liên hợp quốc về Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) đang cố gắng chống lại nguy cơ đó, bằng việc thông qua một văn kiện quan trọng, đó là "Công ước về đa dạng trong biểu đạt văn hóa."

Còn với Cộng đồng Pháp ngữ, cộng đồng chủ trương là đa dạng văn hóa và đa ngôn ngữ, nghĩa là ngoài tiếng mẹ đẻ còn có thể sử dụng nhiều thứ tiếng khác, vì mỗi một ngôn ngữ có vai trò riêng.

Ngoài việc bảo vệ  tiếng mẹ đẻ, theo tôi, ở thời đại toàn cầu hóa hiện nay, không nên chỉ biết một thứ tiếng, cần thông thạo tiếng Anh và ít nhất phải sử dụng được một ngoại ngữ nữa, đặc biệt trong công tác đối ngoại.

Theo tôi, trong chiến lược giảng dạy ngoại ngữ nên dạy nhiều thứ tiếng chứ không phải một ngoại ngữ nào đó.

- Thưa Đại sứ, ông đánh nhận định như thế nào về định hướng của Pháp đối với việc phát triển cộng đồng Pháp ngữ nói chung và khối Pháp ngữ ở Việt Nam nói riêng?

Đại sứ Dương Văn Quảng: Hiện nay có thể nói là Pháp và Canada là hai nước đóng góp tích cực nhất và nhiều nhất cho cho sự phát triển Tổ chức Pháp ngữ quốc tế thông qua các cơ quan thực thi trực tiếp của Pháp ngữ (opérateurs), trước tiên phải kể đến Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF).

Có nhiều trường đại học của Việt Nam là thành viên của AUF. Mỗi năm tổ chức này cấp cho Việt Nam xấp xỉ 100 học bổng học thạc sỹ, tiến sỹ và các dự án khác với giá trị trên 1 triệu euro.

Về thông tin báo chí, TV5 là một trong những cơ quan thực thi trực tiếp của tổ chức Pháp ngữ với các chương trình của Pháp, Canada, Bỉ.

Tôi hy vọng kênh truyền hình này sẽ sử dụng các chương trình truyền hình quốc gia của Việt Nam hoặc phối hợp với một số kênh truyền hình của Việt Nam trong việc phát triển hợp tác thông tin Pháp ngữ.

Ngoài ra, phải kể đến Liên minh các nghị viện, Hiệp hội Thị trường các thành phố nói tiếng Pháp. Đây cũng là một hình thái hoạt động hiệu quả góp phần làm phong phú thêm hợp tác giữa các nước Pháp ngữ.

Ở cấp đại học, Viện Tin học Pháp ngữ được thành lập trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao lần thứ 7, nay đổi tên là Viện Tin học Pháp ngữ Quốc tế là một  trong những hình thức hợp tác khá hiệu quả giữa Cơ quan Đại học Pháp ngữ AUF với Việt Nam./.