KTĐT - Trong thời gian tới, châu Phi và các nước đang phát triển ở châu Á sẽ là những khu vực phát triển nhanh nhất, tiếp đến là Đông Âu, Mỹ Latinh, Trung Đông và các nước thuộc Liên Xô cũ.
Báo cáo dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu 40 năm tới của Willem Buiter, nhà kinh tế hàng đầu của Citigroup, đăng trên tờ Thư tín hàng ngày (Anh) mới đây cho biết 11 nước đang phát triển sẽ là những đầu tàu tăng trưởng kinh tế thế giới, gồm Việt Nam, Bangladesh, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia, Iraq, Mông Cổ, Nigeria, Philippines và Sri Lanka.
Báo cáo nhận định vào năm 2020, Mỹ sẽ để tuột mất vị trí là nền kinh tế lớn nhất thế giới vào tay Trung Quốc. Đến năm 2050, Ấn Độ sẽ thay thế vị trí này của Trung Quốc và lúc đó Mỹ sẽ chỉ còn là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới.
Theo báo cáo trên, tất cả những nước này có nhiều điều kiện tốt để trở thành những nơi hấp dẫn đầu tư nước ngoài nhờ có dân số trẻ, đông và tài nguyên thiên nhiên giàu có.
Ông Buiter cho rằng những nước này dễ dàng đạt tăng trưởng cao nếu có nền kinh tế thị trường và đầu tư vào con người và máy móc.
Trong thời gian tới, châu Phi và các nước đang phát triển ở châu Á sẽ là những khu vực phát triển nhanh nhất, tiếp đến là Đông Âu, Mỹ Latinh, Trung Đông và các nước thuộc Liên Xô cũ.
Ngược lại, các nước công nghiệp phương Tây, hiện chiếm 41% GDP toàn thế giới năm 2010, sẽ có mức tăng trưởng chậm lại và sẽ giảm xuống chỉ còn 18% vào năm 2050.
Ông Buiter, nguyên là thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh, tỏ ý vọng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng mạnh đến năm 2050, với GDP đạt mức tăng trung bình là 4,6% vào năm 2030 và 3,8% từ năm 2030 đến 2050. Như vậy GDP thế giới sẽ tăng từ 72.000 tỷ USD năm 2010 lên 380.000 tỷ USD năm 2050./.