Việt Nam thuộc top các nước châu Á về đảm bảo quyền cho trẻ em gái

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam nằm trong số các nước dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dướng về đảm bảo sự tham gia của trẻ em gái vào các hoạt động xã hội, chính trị cũng như chính sách - theo báo cáo mới nhất của Plan International.

Năm 2021, Việt Nam đứng đầu về Khả năng đại diện và tiếng nói của trẻ em gái trong lĩnh vực Luật pháp và Chính sách trong tổng số 19 nước châu Á được nghiên cứu bởi Plan International. 
Plan International - tổ chức phi chính phủ hoạt động ở 48 quốc gia với mục tiêu thúc đẩy quyền trẻ em và bình đẳng cho trẻ em gái - đã cập nhật "Báo cáo trẻ em gái khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2021: Tiếng nói, Lựa chọn và Sức mạnh", đo lường cơ hội của trẻ em gái và phụ nữ trẻ tại 19 quốc gia trong khu vực.
Xếp hạng của mỗi quốc gia dựa trên các chỉ số đo lường ở 6 lĩnh vực: Giáo dục, Y tế, Cơ hội Kinh tế, Bảo vệ, Khả năng đại diện và tiếng nói Chính trị, cũng như trong Luật pháp và Chính sách.
Báo cáo được công bố hôm 5/11 vừa qua cho thấy, Việt Nam đứng đầu về Khả năng đại diện và tiếng nói của trẻ em gái trong lĩnh vực Luật pháp và Chính sách, đứng thứ 2 trong lĩnh vực Chính trị, trên tổng số 19 nước châu Á được nghiên cứu.

Các chỉ số Y tế và Giáo dục của Việt Nam cũng tăng so với năm 2020, hiện đứng thứ 8 về y tế và thứ 6 về giáo dục. Trong khi chỉ số Bảo vệ không thay đổi thì chỉ số Cơ hội Kinh tế của trẻ em gái Việt Nam lại giảm nhẹ, lần lượt xếp thứ 10 và 11 trong số 19 quốc gia.
Về tổng thể, Việt Nam đứng thứ 4/19 nước, với điểm số 0,712, sau Singapore (0,784), Thái Lan (0,733) và Philippines (0,715).
Báo cáo cho biết trên toàn khu vực, các chuẩn mực văn hóa và xã hội tiếp tục góp phần gây ra bất bình đẳng giới và giảm cơ hội đối với trẻ em gái.
Báo cáo cho biết thêm rằng các nhà hoạt động trẻ em gái và phụ nữ trẻ đã sử dụng thành công các mức độ tham gia khác nhau của người dân để tác động đến sự thay đổi trong nhìn nhận công bằng về giới.
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh, các công nghệ kỹ thuật số và phương tiện truyền thông xã hội là những công cụ quan trọng giúp thúc đẩy sự tham gia của người dân trong quá trình này.