Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam – Thụy Điển chia sẻ kỹ năng báo chí trong thế kỷ 21

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/12, Hội thảo “Kỹ năng báo chí truyền thông trong thế kỷ 21: Chia sẻ kinh nghiệm giữa Thụy Điển và Việt Nam” đã diễn ra tại Hà Nội.

Sự kiện do Đại sứ quán Thụy Điển, Bộ thông tin và truyền thông cùng trường Đại học Lund của Thụy Điển phối hợp tổ chức, nhằm chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của báo chí Thụy Điển trong quá trình 250 năm qua  kể từ khi Luật báo chí Thụy Điển - Luật Báo chí đầu tiên ra đời.
 Quang cảnh hội thảo
Theo Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, ông Pereric Hogberg, đạo luật về tự do báo chí đầu tiên trên thế giới được xuất hiện tại Thụy Điển. Luật báo chí đã có những đóng góp tích cực cho Thụy Điển. Nó không chỉ tạo tiền đề để người dân tiếp cận thông tin một cách đầy đủ mà còn đóng góp cho tổ chức xã hội và phát triển đất nước. Thụy Điển tin tưởng việc tạo điều kiện cho phóng viên tiếp cận những nguồn tin chính thống là nền tảng cho một nền báo chí cởi mở, hiệu quả. Những nguồn thông tin này là công cụ quan trọng cho các nhà báo, từ đó hỗ trợ công cuộc minh bạch hóa, chống tham nhũng, giúp người dân tự chủ hơn trong quyết định của mình. Đó cũng là một trong những nền tảng góp phần giúp Thụy Điển thành cômg với vai trò là một nền kinh tế sáng tạo.
Khẳng định những hợp tác tích cực của Thụy Điển trong lĩnh vực đào tạo báo chí cho Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, ông Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mô hình Tòa soạn đa phương tiện là điều kiện tất yếu để một cơ quan báo chí, truyền thông tồn tại và phát triển. Để đáp ứng được yêu cầu của tòa soạn đa phương tiện, đòi hỏi mỗi nhà báo phải nắm bắt, làm chủ được kỹ thuật và phải cập nhật sự thay đổi đến chóng mặt của những công nghệ tiên tiến nhất. Những cơ quan báo chí truyền thông không theo kịp được kỹ thuật tiên tiến sẽ nhanh chóng bị tụt hậu và đào thải trong cuộc cạnh tranh khốc liệt nhằm thu hút khán giả, độc giả. Từ những yêu cầu thực tiễn đó, mỗi quốc gia, từng cơ quan báo chí truyền thông đều phải đặt ra những chiến lược phù hợp trong thời đại của cách mạng khoa học kỹ thuật.
Thụy Điển là một trong những đối tác ủng hộ tích cực nhất trong lĩnh vực đào tạo báo chí cho Việt Nam. Trong những năm qua, Thụy Điển đã giúp đào tạo hàng nghìn nhà báo Việt Nam thông qua các khóa học.
Hội thảo “Kỹ năng báo chí truyền thông trong thế kỷ 21: Chia sẻ kinh nghiệm giữa Thụy Điển và Việt Nam” kéo dài 2 ngày (5-6/12) với nhiều phiên chia sẻ về các vấn đề Đạo đức báo chí trong thực tiễn, Chiến lược truyền thông trong thời đại kỹ thuật số, Thách thức về mặt kỹ thuật số của báo chí… giữa các chuyên gia, nhà báo, giảng viên trong và ngoài nước.