Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc tập trận tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ ngày 1 đến 5/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định hành động này của đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại vi phạm tương tự trong tương lai.
Trả lời đề nghị bình luận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về thông tin gần đây tàu thăm dò Hải Dương 4 của Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Người Phát ngôn cho biết, các hoạt động thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 phải được sự đồng ý của Việt Nam theo quy định của Công ước này.
"Việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia và các quy định của UNCLOS 1982 có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển của khu vực Biển Đông, ở khu vực cũng như trên thế giới" - Người Phát ngôn nhấn mạnh.
Đầu tháng 7/2019, Trung Quốc đã điều nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Nam Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng sau đó nhiều lần nêu rõ, Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục các hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán Việt Nam trên vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Đến cuối tháng 10 năm đó, tàu Hải Dương Địa chất 8 và các tàu hộ tống của Trung Quốc mới rút khỏi vùng biển Việt Nam.