Những chiến lược thực tiễn nào có thể giúp Việt Nam tích hợp hạ tầng xanh và các hoạt động bền vững vào quy hoạch đô thị? Làm thế nào để các cá nhân, doanh nghiệp, chuyên gia và chính phủ có thể hợp tác đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh? Việt Nam có thể học hỏi gì từ các kinh nghiệm thực tiễn hiệu quả nhất của Đan Mạch trong việc giải quyết các thách thức đô thị hóa?
Những câu hỏi cấp thiết này đã trọng tâm thảo luận của sự kiện “Tọa đàm ‘Chuyển đổi Đô Thị Xanh – Từ Đan Mạch đến Việt Nam” diễn ra hôm nay (28/11) tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Trọng tâm hợp tác Việt Nam-Đan Mạch
Được xếp hạng trong top 3 các thành phố bền vững và đáng sống nhất thế giới, Copenhagen có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ và truyền cảm hứng cho Việt Nam trên hành trình chuyển đổi đô thị xanh.
Chuyển đổi xanh và bền vững là một trong những vấn đề trọng tâm thuộc quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch, theo bà Mette Ekeroth, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam.
“Việt Nam và Đan Mạch chia sẻ cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh. An ninh kinh tế cần phải đi đôi với an ninh xã hội và môi trường," Phó Đại sứ chia sẻ.
Theo diễn giả Henriette Vamberg, Giám đốc Gehl khu vực Châu Âu, Châu Á và Úc khẳng định: "Có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau trong quá trình chuyển đổi đô thị xanh, và tôi rất mong được chia sẻ một số kinh nghiệm này với khán giả tại Hà Nội", đồng thời cho biết các giải pháp mà Gehl đưa ra vừa táo bạo trên quy mô lớn, vừa mang tính chiến lược và cụ thể.
Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu tham dự đã trao đổi về những chiến lược và giải pháp thực tiễn trong việc tích hợp hạ tầng xanh và thực hành bền vững vào quy hoạch đô thị, cũng như các dự án cụ thể tại các thành phố lớn trên thế giới đã thành công chuyển đổi mô hình sang xanh hơn, bền vững hơn mà Việt Nam có thể học hỏi.
Nền tảng xanh
Theo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam dự kiến sẽ vượt 50% vào năm 2030. Khi thế giới chuyển mình hướng đến một tương lai xanh hơn, các thành phố đóng vai trò tiên phong trong việc phát triển các giải pháp sáng tạo để ứng phó với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi đô thị xanh không chỉ là một xu hướng mà còn là một nhu cầu cần thiết để tạo nên những môi trường đô thị đáng sống, khả năng thích ứng tốt và bền vững cho các thế hệ tương lai.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1971, Việt Nam và Đan Mạch đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và bền vững. Ngày 1/11/2023, hai Thủ tướng đã cùng tuyên bố thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh (GSP) giữa Việt Nam và Đan Mạch.
Việc ký kết GSP đánh dấu một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia và thiết lập một khuôn khổ vững chắc để hỗ trợ Việt Nam phát triển nền kinh tế có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, phát thải carbon thấp và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tuần hoàn.
GSP kế thừa và củng cố các hợp tác hiện có trong các lĩnh vực: Khí hậu, Môi trường và Năng lượng, Nông nghiệp và Thực phẩm, Thương mại và Hợp tác Doanh nghiệp, Y tế và Khoa học Đời sống, Thống kê và các sáng kiến chung khác.