70 năm giải phóng Thủ đô

Việt Nam với sứ mệnh lịch sử

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu như trước đây, khi nhắc tới Việt Nam, bạn bè quốc tế thường nghĩ tới chiến tranh, thì nay, cách nhìn đó đã thay đổi. Đặc biệt, trong năm 2019, khi Hà Nội được chọn là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 và cũng vài tháng sau đó, lần thứ 2 Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc với số phiếu cao kỷ lục.

 Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường quan hệ với các cường quốc
Đây là hệ quả của cả một quá trình Việt Nam nỗ lực mở cửa với thế giới, với tinh thần sẵn sàng là bạn, là đối tác với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị. Đó cũng là sứ mệnh lịch sử của Việt Nam với những cơ hội để nâng cao vị thế đất nước – một Việt Nam trên vai trò quốc gia kiến tạo hòa bình, tham gia hóa giải các xung đột vũ trang trên thế giới.
Những mốc son đáng nhớ
Ngay từ đầu, Việt Nam đã là đại diện duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020 - 2021. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra khẳng định, điều này thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối của các quốc gia trong khu vực đối với Việt Nam và là một sự khởi đầu rất tốt. Theo Điều phối viên Kamal Malhotra, một sự kiện khác góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong năm 2019 chính là việc tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2. Trong bối cảnh việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu của LHQ, Việt Nam với vị thế sau sự kiện này có thể đóng góp tốt cho quá trình đó tại HĐBA LHQ.
Đúng vào năm Việt Nam kỷ niệm 25 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, đồng thời đảm nhiệm vị trí nước thành viên không thường trực của HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021. Hàn Quốc mong rằng, trong thời gian Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, quan hệ hợp tác Hàn Quốc - ASEAN sẽ được tăng cường lên một tầm cao hơn.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan
Những tiền đề trên làm bệ đỡ để Việt Nam thực hiện sứ mệnh cao cả trong năm 2020 là giữ vị trí Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Ông Kamal Malhotra khẳng định, tình hình quốc tế và khu vực đã rất khác so với 10 năm trước khi lần đầu Việt Nam giữ vị trí thành viên không thường trực của HĐBA LHQ (2008 - 2009). Tuy nhiên, với những kinh nghiệm từ vị trí trước đây cùng với việc đóng vai trò là Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2020 giúp Việt Nam có một vị thế "độc nhất vô nhị" để vừa có sức mạnh đoàn kết tổng hợp, bổ sung, xây dựng quan hệ giữa LHQ và ASEAN, những mối quan hệ lớn nhầt trong toàn cầu và trong khu vực.
Theo Prashanth Parameswaran - chuyên gia cao cấp của The Diplomat, Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995 với tư cách là thành viên thứ 7. Vào thời điểm đó, với một loạt chính sách bao gồm cải cách trong nước và hội nhập sâu rộng với thế giới bên ngoài, Việt Nam đã nhanh chóng nổi lên như một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất và với các đối tác đáng tin cậy ở cả Đông Nam Á. Trong ASEAN, bao gồm 2 lần làm Chủ tịch vào năm 1998 và 2010, Việt Nam đã giúp thúc đẩy một số ưu tiên, bao gồm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia Đông Nam Á, phát triển các thể chế mới và thu hút các cường quốc khác, chuyên gia này nhận định.
 Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội
Nhận diện thách thức, đón đầu cơ hội
Chia sẻ về vai trò của Việt Nam tại HĐBA sắp tới, cựu Đại sứ Việt Nam tại LHQ Ngô Quang Xuân cho biết, sau 10 năm, đã có những chuyển biến trở thành thách thức. Sự phức tạp của quan hệ địa chính trị trên thế giới khiến các cơ chế đa phương có dấu hiệu bị hạ thấp, trong khi đó, một số nước lớn hướng đến chủ nghĩa dân túy, nhất là Mỹ, tập trung vào lợi ích quốc gia thay vì lợi ích cộng đồng. Bên cạnh đó, sau 10 năm, quan hệ giữa 3 nước lớn đang khó khăn, căng thẳng. Trong khi Nga với Mỹ gia tăng cấm vận, phá vỡ mong muốn hợp tác trước đây; Trung Quốc và Mỹ lại vướng vào tranh chấp phức tạp không chỉ ở lĩnh vực kinh tế. Ngay cả trong 5 nước Ủy viên Thường trực HĐBA hiện nay, nước nào cũng có vấn đề riêng. Khi các nước lớn tìm cách kiềm chế, khống chế nhau, các nước thành viên không thường trực bây giờ nắm vị trí trung gian phải tham gia củng cố HĐBA. Đây là thách thức có thể nói là lớn nhất, không chỉ với riêng Việt Nam mà với các nước trong nhiệm kỳ tới đây.
Còn theo ông Parameswaran, kể từ thời điểm giữ vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường quan hệ với các cường quốc - bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Liên minh châu Âu.
Tăng cường tham vấn, chia sẻ
“Năm 2020 Việt Nam lại là Chủ tịch ASEAN. LHQ cũng trông đợi đóng góp của Việt Nam ở chỗ sẽ hóa giải xung đột nội bộ ở khu vực này như thế nào, xử lý vấn đề ở Biển Đông ra sao thì những vấn đề của quốc tế cũng vậy” - Đại sứ Ngô Quang Xuân chia sẻ với Kinh tế & Đô thị.
Về vấn đề này, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh nhận định, Biển Đông gắn sát với hòa bình, an ninh và phát triển khu vực, thực sự là tuyến đường chiến lược cả về kinh tế và an ninh nên chắc chắn sẽ là phần quan trọng chương trình nghị sự của ASEAN. Câu chuyện hòa bình, tự do an ninh, an toàn hàng hải không phải chỉ của ASEAN mà còn của tất cả các nước do đó cần tham vấn các nước, đối tác quan trọng với sự đóng góp tích cực, hơn bao giờ hết cần bám sát và nhấn mạnh luật pháp quốc tế. Cùng với Trung Quốc, ASEAN cần vừa duy trì tiếng nói, đồng thời tiếp tục thúc đẩy thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và có một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả.
“Nhìn lại lịch sử ASEAN, không phải chúng ta chưa từng có khác biệt. Để thu hẹp những khác biệt đó, cần tăng cường tham vấn chia sẻ và thể hiện trách nhiệm dựa trên những lợi ích chung của ASEAN. Vai trò Chủ tịch là làm sao kết nối lợi ích, quan điểm khác nhau đó thành những điểm chung” - Đại sứ Phạm Quang Vinh chia sẻ.
Cộng đồng quốc tế có thể kỳ vọng chương trình nghị sự khi Việt Nam giữ vị trí Chủ tịch ASEAN là sự pha trộn giữa sự kế thừa và đổi mới trong năm 2020: Tiếp tục công việc của các Chủ tịch trước đó, đồng thời nhận thức rõ về tác động của bối cảnh hiện nay đối với sự phát triển của ASEAN và thúc đẩy một số ưu tiên của Việt Nam. Bên cạnh đó, chương trình nghị sự chính thức mà Việt Nam đưa ra vẫn cần biến chuyển linh hoạt tùy thuộc vào những diễn biến thời sự bất ngờ, cũng như động thái của các cường quốc lớn và tầm trung. Về một số trọng tâm, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có thể được dự kiến sẽ được chú trọng, đặc biệt là với mốc thời gian hoàn tất đã chuyển sang năm 2020.
Chuyên gia Prashanth Parameswaran