Tại SEA Games 31 lần này, bộ môn điền kinh có 47 nội dung thi đấu và các nước trong khu vực Đông Nam Á đều cho rằng đây là cuộc so kè giữa Việt Nam và Thái Lan. Nước chủ nhà đặt mục tiêu giành được ít nhất 15 HCV trong khi đó Thái Lan dù đặt chỉ tiêu 12 HCV nhưng sẵn sàng lật đổ sự thống trị của Việt Nam khi nghe tin Tú Chinh, người dự kiến sẽ giành 4 HCV của Việt Nam bị chấn thương không thể thi đấu.
Lần thứ 3 vượt Thái Lan
Lâu nay, cũng như bóng đá, nội dung điều kinh tại các kỳ SEA Games là sở trường của người Thái. Phải mất gần 20 năm phải "đóng vai phụ" sau Thái Lan, tại SEA Games ở Kuala Lumpur (Malaysia) năm 2017 đội tuyển điền kinh Việt Nam mới có thể vượt qua các đối thủ để. Tiếp đó, tại SEA Games 2019 ở Philippines, Việt Nam tiếp tục vợt Thái Lan ghi dấu ấn với vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng huy chương ở các nội dung điền kinh.
Kết thúc ngày 18/5, điền kinh Việt Nam giành được 19 HCV, trong khi Thái Lan mới có 12 HCV. Ngày thi đấu cuối 19/5, điền kinh chỉ còn 4 nội dung. Trong ngày thi đấu cuối của môn điền kinh, niềm hy vọng vàng được đặt ở hai chị em Nguyễn Thị Thanh Phúc và Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ), Phạm Thị Huệ và Lê Văn Tuấn (marathon). Ngay cả khi Thái Lan thâu tóm cả 4 HCV, họ cũng chỉ có thể chạm mốc 16 HCV. Điền kinh Việt Nam hướng tới kỷ lục chạm mốc 20 HCV trong một kỳ đại hội.
Tại SEA Games 31 cự ly trung bình và dài vẫn là thế mạnh của điền kinh Việt Nam, đặc biệt các nội dung của nữ khẳng định sức mạnh tuyệt đối với 8 HCV. Các nữ VĐV Lò Thị Hoàng (ném lao nữ), Phạm Thị Hồng Lệ (10.000 m nữ), cùng đội tiếp sức 4x400 m nữ gồm Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Hoàng Thị Ngọc và Nguyễn Thị Hằng đem về 3 HCV cho điền kinh Việt Nam trong chiều 18/5.
Ngoài ra, Lò Thị Hoàng phá kỷ lục SEA Games với thành tích 56,37 m, đồng thời trở thành nữ vận động viên đầu tiên trong lịch sử điền kinh Việt Nam giành HCV ném lao ở một kỳ SEA Games. Trong khi đó, đội tiếp sức nữ một lần nữa thể hiện sự thống trị khi có kỳ đại hội thứ 4 liên tiếp giành HCV. Bên cạnh đó là những bất ngờ giành vàng như Nguyễn Tiến Trọng (nhảy xa nam), Nguyễn Hoài Văn (ném lao nam) hay Bùi Thị Nguyên (100 m rào nữ).
Điền kinh Thái Lan thất bại ở các nội dung ném vốn là thế mạnh, bên cạnh đó ngôi sao nhập tịch Kieran Tuntivate do chấn thương, khiến anh không thể bảo vệ thành công 2 HCV 5.000 m và 10.000 m để VĐV Nguyễn Văn Lai giành HCV.
Chiến lược đầu tư làm bài bản
Để có được thành tích như vậy từ 2015, điền kinh Việt Nam đã đầu tư trọng điểm khoảng 100 tỷ đồng cho các VĐV tiềm năng đi tập huấn nước ngoài, thuê HLV ngoại về cầm quân. Chúng ta kỳ vọng đạt được huy chương tại các kỳ Olympic 2016, 2020 cũng như tại Đại hội Thể thao châu Á 2018 (Asian Games 2018) và những các khoản đầu tư này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Tại Olympic Rio 2016, VĐ bắn súng Hoàng Xuân Vinh đã mang về tấm Huy chương Vàng đầu tiên cho Việt Nam. Hai năm sau, VĐV Quách Thị Lan (400m vượt rào) và Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa) đã mang về những “chiến tích đầu tiên” cho Việt Nam ở môn điền kinh tại Asian Games 2018 tại Indonesia.
Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ hy vọng rằng thành tích lứa các VĐV điền kinh hiện tại "có thể là nguồn cảm hứng cho các tài năng trẻ". Việt Nam đang có những mục tiêu lớn hơn ở môn điền kinh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: “Chúng tôi có hai giai đoạn trong kế hoạch của mình. Mục tiêu trong giai đoạn 1 là giành Huy chương Vàng (ở mức thường xuyên) tại cấp độ châu Á vào năm 2030. Và trong giai đoạn 2, vốn là kế hoạch dài hơi hơn nữa, Việt Nam hy vọng sẽ có những VĐV có thể có 'những màn trình diễn đặc biệt' tại các Thế vận hội và giành huy chương vào năm 2050. Việt Nam sẽ đầu tư và đào tạo các nhóm VĐV điền kinh để đạt được mục tiêu này”.