Tuy nhiên, thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng đã chững lại do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Làm sao tận dụng được tốt hơn những lợi thế từ việc gia nhập WTO và hạn chế những rủi ro từ hội nhập là vấn đề được nhiều doanh nghiệp (DN) đặt ra và được giải đáp kỹ lưỡng tại cuộc tọa đàm với ông Pascal Lamy - nguyên Tổng Giám đốc WTO diễn ra chiều 11/8.
Đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế
Theo ông Pascal Lamy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế kể từ khi gia nhập WTO, nhất là những thành công về tăng trưởng kinh tế, thương mại, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và du lịch. Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng dương.
Còn với TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), gia nhập WTO là một sự kiện quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong quá trình phát triển của Việt Nam, đặc biệt tạo ra sự hứng khởi đối với cộng đồng DN trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra
nhiều chính sách nhằm tạo ra sự đột phá về thể chế, trong đó, mục tiêu tập trung là cải cách thủ tục hành chính, tái cơ cấu DN. Bên cạnh đó, tích cực tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU (EVFTA). Ông Lộc dẫn chứng, trong lĩnh vực thuế, cuối năm 2012, đầu năm 2013, để giải quyết các thủ tục trong lĩnh vực này mất 872 giờ, Chính phủ đã ra quyết định giảm thủ tục xuống 171 giờ. Đồng thời, Chính phủ cũng đưa ra nghị quyết quan trọng trong việc cổ phần hóa 432 DN đến năm 2015.
Khẳng định WTO sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình hội nhập trong từng giai đoạn cụ thể nhằm tạo bước đi vững chắc, ông Pascal Lamy bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật để đáp ứng những tiêu chuẩn của WTO, giảm rào cản thuế quan để thúc đẩy sản xuất.
Tận dụng tốt hơn lợi thế sẵn có
Nguyên Tổng Giám đốc WTO cho rằng, lợi thế của Việt Nam nằm ở nguồn nhân lực dồi dào, đang ở độ tuổi lao động. "Lợi thế của Việt Nam là nằm ở người dân, đây là sức mạnh rất to lớn. Vấn đề đặt ra là cần nâng cao đầu tư cho giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho đất nước" - ông Lamy nhấn mạnh. Ông Vũ Tiến Lộc cũng đồng tình với nhận định: "Việt Nam cần phải cải thiện xếp hạng năng lực cạnh tranh trong thời gian tới để tận dụng được hết những ưu đãi từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do".
Bàn về vấn đề xuất nhập khẩu, ông Lamy khuyến cáo, các quốc gia có yêu cầu ngày càng cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Ví dụ ở ngành thủy sản hay thực phẩm, các tiêu chí so sánh được đưa ra trong quá trình thương mại là chất lượng, tiêu chuẩn. Ngay cả ở những phân khúc thị trường thấp, các DN xuất khẩu cũng phải rất chú trọng vấn đề chất lượng hàng hóa. Về nhập khẩu, Việt Nam phải nhìn nhận rõ lợi thế của mình ở lĩnh vực nào, sau đó xác định lĩnh vực nào là ưu tiên để nhập khẩu. Lâu nay, Việt Nam chú trọng đến xuất khẩu và không muốn nhập khẩu. Tuy nhiên, trong một thế giới hội nhập, những quốc gia xuất khẩu nhiều nhất cũng là những quốc gia nhập khẩu nhiều. Ông Lamy cũng đặc biệt khuyến cáo các DN Việt Nam lưu ý hơn nữa vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: "Các thành viên WTO phải tuân thủ các quy định, trong đó có những quy chuẩn về sở hữu trí tuệ. Khi thực thi những cam kết WTO, các nước sẽ không chấp nhận hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng hoặc không hợp pháp, trốn thuế...".
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính thuế khi gia nhập WTO. Trong ảnh: Làm thủ tục kê khai tại Chi cục Thuế Hai Bà Trưng. Ảnh: Ánh Tâm
|
Đề cập về việc Chính phủ Mỹ đang áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá ba sa Việt Nam là không công bằng, nguyên Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy khuyên các DN Việt Nam cần đưa các chứng cứ ra Ban giải quyết tranh chấp của WTO, kiên trì tìm hiểu mọi thông tin để bảo vệ quan điểm của mình. |