Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam xếp thứ 78/189 về môi trường kinh doanh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/10, Nhóm Ngân hàng Thế giới đã công bố Báo cáo Môi trường kinh doanh 2015 (Doing Business). Theo đó, Việt Nam xếp thứ 78/189 nền kinh tế về môi trường kinh doanh thuận lợi.

Như vậy, so với Báo cáo Môi trường kinh doanh 2014, Việt Nam đã tụt thêm 6 bậc. Cũng lưu ý thêm, theo báo cáo Doing Business 2014, Việt Nam xếp thứ 99/189 nền kinh tế. Song Ngân hàng Thế giới thay đổi phương pháp tính của Doing Business 2015 nên cũng thay đổi cả xếp hạng của năm 2014. Theo cách tính mới này, năm 2014 Việt Nam xếp thứ 72/189 nền kinh tế (99 là phương pháp tính cũ).

Những lĩnh vực có xếp hạng khả quan trong quy định kinh doanh của Việt Nam là xin cấp phép xây dựng (22/189), vay vốn (xếp thứ 36/189), thực hiện hợp đồng (47/189).
Việt Nam xếp thứ 78/189 về môi trường kinh doanh - Ảnh 1
Việt Nam vẫn không được đánh giá cao ở chỉ số khởi đầu kinh doanh, nộp thuế, thương mại xuyên biên giới, giải quyết tình trạng phá sản, kết nối điện, bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số.

Cụ thể: Chỉ số khởi đầu kinh doanh vẫn xếp thứ 125/189 nền kinh tế với 10 thủ tục và thời gian là 34 ngày. So với năm trước, tụt 16 bậc.

Thương mại xuyên biên giới xếp thứ 75/189 với thời gian xuất khẩu là 21 ngày và thời gian nhập khẩu là 21 ngày, không thay đổi so với đánh giá của Doing Business 2014.

Singapore vẫn sở hữu môi trường pháp lý cho kinh doanh thân thiện nhất trên thế giới. Nằm trong số 10 nền kinh tế thuận lợi nhất cho kinh doanh còn có New Zealand, Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc và Úc.  

Các dữ liệu cho thấy trong năm qua nhiều nền kinh tế trong khu vực đã tạo điều kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp nộp thuế. Việt Nam đã hạ thấp mức thuế thu nhập doanh nghiệp. Trung Quốc tăng cường hệ thống lưu trữ và thanh toán điện tử quốc gia - đồng thời giúp cho việc sáp nhập doanh nghiệp bớt tốn kém. Mông Cổ đã áp dụng một hệ thống thanh toán điện tử mới.

"Những cải cách như vậy đã tiết kiệm được thời gian quý báu của các doanh nghiệp. Ví dụ như tại Mông Cổ, các doanh nghiệp địa phương nhận thấy thời gian nộp thuế đã giảm từ 192 giờ vào năm 2013 xuống còn 148 giờ trong năm 2014 - còn thấp hơn ở Úc" - theo Ngân hàng Thế giới.

Bà Rita Ramalho, tác giả chính của báo cáo Môi trường kinh doanh, Nhóm Ngân hàng thế giới cho biết: “Kể từ năm 2005, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã thu hẹp khoảng cách với các thông lệ tốt trên toàn thế giới. Trong thập kỷ vừa qua, những cải cách pháp lý nhất quán đã cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi trong vùng và đóng góp vào nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho các doanh nghiệp địa phương.”