Việt Nam xuất siêu gần 1,5 tỷ USD từ đầu năm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài đang vượt trội hơn so với khu vực kinh tế trong nước cả về kim ngạch nhập khẩu lẫn xuất khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2016, Việt Nam đang xuất siêu khoảng 100 triệu USD khi xuất khẩu đạt 14,1 tỷ USD, còn nhập khẩu là 14 tỷ USD. Con số này sẽ lên tới 1,5 tỷ USD nếu tính cộng cả 4 tháng đầu năm, với xuất khẩu đạt 52,9 tỷ USD và nhập khẩu chỉ là 51,4 tỷ USD. Đáng chú ý, từ đầu năm, trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu giảm nhẹ 1,2% thì ở chiều ngược lại, xuất khẩu lại tiếp tục đà tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015.

 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Cũng như các tháng trước, ở khâu xuất khẩu tháng 4/2016, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm vai trò chủ đạo với tổng giá trị đóng góp lên tới 10 tỷ USD, trong khi khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt 4,1 tỷ USD. Nếu so với tháng 3/2016, các con số trên lần lượt giảm 8,5% và 2,1%. Còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái lại tăng 3,8% và 6,3%. Trong đó mặt hàng điện thoại và linh kiện là tăng mạnh nhất, lên đến 22,8%.

Tính gộp cả 4 tháng đầu năm, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã đạt 37,8 tỷ USD, cao hơn 2 lần so với khu vực kinh tế trong nước với 15,1 tỷ USD. Trong đó điện thoại và linh kiện vẫn giữ vai trò đầu tàu khi đạt tới 11,5 tỷ USD, tiếp đó là hàng dệt may với 6,8 tỷ USD, còn đứng thứ 3 là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5 tỷ USD. Đối với các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm, sắp thép đang dẫn đầu khi mất tới gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện tại, Mỹ vẫn đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 11,4 tỷ USD từ đầu năm, tăng 15,5% so với cùng kỳ 2015. Tiếp đến là EU với 10,3 tỷ USD, tăng 10,4%; Trung Quốc đạt 5,8 tỷ USD, tăng 16,5%; Hàn Quốc đạt 3,3 tỷ USD, tăng 36,5%. Tuy nhiên xuất khẩu sang thị trường ASEAN lại chỉ đạt 5,4 tỷ USD, giảm 13,5%.

Ở chiều nhập khẩu, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ vượt trội khi đạt 8,2 tỷ USD trong tháng 4/2016, còn khu vực kinh tế trong nước chỉ là 5,8 tỷ USD. Các chỉ số này đều tăng lần lượt là 8,1% và 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại vải và xăng dầu đang là các mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất với tổng giá trị lần lượt là 78 triệu USD và 76 triệu USD.

Tổng cộng cả 4 tháng đầu năm, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có giá trị nhập khẩu là 30,7 tỷ USD, trong khi khu vực kinh tế trong nước đạt 20,7 tỷ USD. Trong đó nhiều mặt hàng có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm ngoái: Điện thoại và linh kiện đạt 3,2 tỷ USD, giảm 6,9%; Hóa chất đạt 924 triệu USD, giảm 7,1%; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 8,2 tỷ USD, giảm 8,9% ...

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu, Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với kim ngạch 14,7 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước; ASEAN đạt 7,5 tỷ USD, giảm 3,5%; Nhật Bản đạt 4,3 tỷ USD, giảm 8,8%; EU đạt 3 tỷ USD, giảm 9,5%; Hoa Kỳ đạt 2,4 tỷ USD, giảm 0,1%; Riêng nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 9,5 tỷ USD, tăng 6,7%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần