Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vietnam ICT Summit 2019: Chuyển đổi số là cơ hội để Việt Nam vượt lên

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nhận định chung của chuyên gia cũng như lãnh đạo ngành TT&TT khi nói về những cơ hội mà chuyển đổi số có thể mang lại cho Việt Nam.

Sáng 8/8, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2019 (Vietnam ICT Summit 2019) với chủ đề “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường”.
Sự kiện có sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, cùng 800 đại biểu lãnh đạo cấp cao từ các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế.
Vietnam ICT Summit 2019 có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Phát biểu khai mạc, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết, chuyển đổi số đang là xu hướng toàn cầu, cũng như là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp. Thế giới đang chứng kiến những thay đổi vô cùng to lớn về năng suất lao động, trải nghiệm của người dùng và cũng từ đó nhiều mô hình kinh doanh mới đã và đang được hình thành. Có thể khẳng định, chuyển đổi số là cơ hội phát triển chưa từng có trong lịch sử, đây cũng là thời cơ để Việt Nam bắt kịp, đi cùng và có thể vượt lên các nước phát triển.
Đề án chuyển đổi số quốc gia do Bộ TT&TT xây dựng sẽ đóng vai trò rất quan trọng nhằm thực hiện những chuyển đổi bứt phá để hướng tới một Việt Nam số, trong đó tận dụng đầy đủ sự tiến bộ, sáng tạo của công nghệ số để phát triển kinh tế xã hội, ông Trương Gia Bình khẳng định.
Chia sẻ tại Vietnam ICT Summit 2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định doanh nghiệp ICT có vai trò cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Việt Nam phải phát triển được các doanh nghiệp ICT gồm các doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm hoạt động 10 - 20 năm song song với đó là doanh nghiệp công nghệ mới cùng doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Không thể bị động ngồi chờ từng cơ quan doanh nghiệp tự chuyển đổi số, các doanh nghiệp công nghệ phải tham gia vào quá trình này. Chúng ta sẽ tạo ra các nền tảng để từng doanh nghiệp sử dụng. Ví dụ, Việt Nam có hàng ngàn báo, tạp chí nhưng nếu có một nền tảng chung để tiếp cận người đọc, thì thông tin sẽ được phổ biến rất nhanh. Đó là một trong những lợi ích rõ nét mà chuyển đổi số mang lại, Bộ trưởng Bộ TT&TT nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đang Dự thảo Đề án "Chuyển đổi số quốc gia", nhằm thực hiện những chuyển đổi bứt phá để hướng tới một Việt Nam số. Trong đó, tận dụng đầy đủ sự tiến bộ, sáng tạo của công nghệ số để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường.

Dự thảo vẫn đang trong giai đoạn tiếp nhận các ý kiến đóng góp, tư vấn, phản biện để hoàn thiện hơn. Quá trình này rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ, chuyên gia, nhà nghiên cứu... để khi ra đời Đề án có thể thực hiện thành công các mục tiêu được đề ra, Bộ trưởng mong muốn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại Diễn đàn

Theo Dự thảo, lộ trình chuyển đổi số Việt Nam sẽ gồm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ 2020 đến hết 2022 là giai đoạn tập trung xây dựng các nền tảng cho chuyển đổi số; triển khai các dự án chuyển đổi số ưu tiên trong những ngành nền tảng, trọng điểm.

Giai đoạn 2, từ năm 2023 đến hết 2025 sẽ tăng tốc chuyển đổi trong các lĩnh vực kinh tế xã hội. Còn giai đoạn 3, từ năm 2026 đến 2030 là giai đoạn chuyển đổi số toàn diện, với nền kinh tế, xã hội vận hành dựa trên công nghệ số, đổi mới và sáng tạo.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ Diễn đàn, Liên minh Chuyển đổi số đã chính thức ra mắt với thành viên là một số Tập đoàn công nghệ và kinh tế hàng đầu tại Việt Nam như: Viettel, FPT, VNPT, CMC, MISA, VNG, MobiFone, Liên Việt Post Bank, HiPT... Đây được xem là tổ chức nhằm chung tay hợp tác, đồng hành cùng Chính phủ, các Bộ, Ngành, tổ chức và doanh nghiệp tham gia vào triển khai và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ, hiện tại Việt Nam dù được đánh giá là phát triển nhanh so với khu vực, so với quốc tế nhưng xuất phát của chúng ta quá thấp do đó cần phát phải triển nhanh hơn và bền vững hơn. Nhưng tình hình thế giới hiện tại, Việt Nam phải đối mặt với nhiều cạnh tranh quốc tế cao, như công nghệ, thu hút vốn đầu tư, thị trưởng... Để vượt qua được cuộc đua tranh này chúng ta phải có khát vọng, đi kèm với đó ý trí, sáng tạo và đột phá ra khỏi tư duy, rào cản ý thức.

Chúng ta có cơ hội ko? Phó Thủ tướng đặt câu hỏi. Chuyển đổi số chính là cơ hội nhưng cần lưu ý cơ hội với Việt Nam cũng là cơ hội với quốc gia khác, nếu ko tận dụng tốt sẽ biến thành thách thức. Đây ko phải lần đầu CNTT mang đến cơ hội cho Việt Nam, những năm 90 từng có cơ hội tương tự, thời điểm đó chúng ta đã nói về kỷ nguyên số, hay chuyển đổi số rồi nhưng bây giờ lại nói lại. Vậy cốt tử là ứng dụng CNTT để tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho mỗi doanh nghiệp, hiệu quả hơn cho mỗi tổ chức và cơ hội tốt đẹp hơn cho mỗi người dân.

Việt Nam cần phải thực hiện quá trình chuyển đổi số với tâm thế của một quốc gia còn kém so với thế giới, vì kém nên cần phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần. Cũng chính vì kém nên cần phải có khát vọng vươn lên, điểm tựa của chúng ta là lịch sử ngàn năm, truyền thống dân tộc mỗi khi bị dồn vào thế nhất định sẽ làm được những việc không tương, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phó Thủ tướng cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ cùng làm việc với Bộ TT&TT, VINASA và Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam để tiếp nhận các ý kiến đóng góp, tháo gỡ những vướng mắc sao cho Đề án Chuyển đổi số quốc gia khi hoàn thiện sẽ đúng với tinh thần đề ra mục tiêu lớn nhưng bằng hành động cụ thể, thiết thực.

Theo chương trình, Diễn đàn sẽ gồm 1 phiên toàn thể vào buổi sáng và 2 phiên Chuyên đề diễn ra đồng thời trong buổi chiều ngày 8/8/2019 với các chủ đề chuyên biệt: Phát triển trí tuệ nhân tạo Việt Nam; Chuyển đổi số cho các cơ quan Nhà nước và Chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn có Triển lãm các giải pháp cho chuyển đổi số và hoạt động kết nối tư vấn, hợp tác về chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu.