Vietnam Security Summit 2022: Kiến tạo tương lai số bền vững

Lê Hoàng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/6, Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn không gian mạng 2022 (Vietnam Security Summit) đã chính thức khai mạc.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Sự kiện thường niên Vietnam Security Summit 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) chỉ đạo nội dung và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức. Với chủ đề “An toàn thông tin cho nền tảng số quốc gia: Kiến tạo tương lai số bền vững”, sự kiện đã mang đến bức tranh toàn cảnh về an toàn thông tin ở Việt Nam và trên thế giới.

Đây sẽ là cầu nối cho các nhà hoạch định chính sách, những chuyên gia đầu ngành, các nhà cung cấp giải pháp cùng thảo luận, trao đổi về xu hướng mới trong lĩnh vực an toàn thông tin, đồng thời đề xuất chiến lược nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó với các sự cố.

Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT; Ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng, Cục An toàn thông tin, Bộ TTT&TT, các chuyên gia Công nghệ và bảo mật đến từ các tập đoàn CNTT lớn như: Viettel, PwC Việt Nam, ECQ Global, Trustwave, Huawei, Fortinet Việt Nam, Trellix…

Ngoài ra, sự kiện cũng thu hút nhiều lãnh đạo cấp cao phụ trách về an toàn không gian mạng và CNTT đến từ khối Chính phủ, tài chính – ngân hàng, năng lượng, sản xuất, viễn thông… mở ra cơ hội giao lưu, kết nối và tạo điều kiện cho sự hợp tác trong tương lai.

Song song với chương trình hội thảo, Triển lãm quốc tế an toàn không gian mạng cũng sẽ quy tụ hơn 50 công ty công nghệ hàng đầu khu vực tới trưng bày và trình diễn các sản phẩm và dịch vụ công nghệ tiên tiến nhất về Định danh và xác thực số, Bảo mật ứng dụng; Bảo mật dữ liệu; Quản lý mối đe dọa; Bảo mật đám mây,…

Các khách mời tham dự hội nghị.
Các khách mời tham dự hội nghị.

Sự kiện sẽ diễn ra với 1 phiên báo cáo chính về Bảo đảm an toàn không gian mạng trong kỷ nguyên số: Thách thức và lời giải. Ba hội thảo chuyên đề bao gồm, Bảo vệ các hệ thống thông tin trọng yếu, xu hướng và giải pháp an toàn thông tin mạng cho điện toán đám mây và an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số. Các diễn giả sẽ thảo luận về vấn đề liên quan đến điện toán đám mây, bảo vệ hệ thống thông tin trọng yếu và hệ thống thông tin doanh nghiệp. Trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra hoạt động triển lãm trực tuyến các giải pháp, sản phẩm về an toàn, an ninh mạng từ những nhà cung cấp giải pháp hàng đầu trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, cho biết đây là sự kiện thường niên đã tập hợp được nhiều nhà quản lý, chuyên gia về CNTT để thảo luận chuyên sâu về kỹ thuật và công nghệ mới nhất để đảm bảo an toàn không gian mạng. Chủ đề năm nay được đánh giá là cấp thiết khi mà chương trình chuyển đổi số quốc gia, chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số được ban để khẳng định quyết tâm chuyển đổi số của Việt Nam xuyên suốt trong các chương trình chiến lược. Việc thúc đẩy, triển khai các nền tảng số được coi là giải pháp đột phá để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, các nền tảng số là không gian diễn ra các hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân Việt Nam trên môi trường số. Việc đảm bảo an toàn thông tin mạng cho các nền tảng số này là rất quan trọng và việc làm này cũng chính là bảo vệ không gian mạng quốc gia. Vì vậy, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các nền tảng số phải được coi là trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ gắn liền, không thể tách rời với việc thúc đẩy, phát triển, sử dụng các nền tảng số quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dùng phát biếu khai mạc hội nghị. Ảnh: Lê Hoàng
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Lê Hoàng

Trong phiên báo cáo chính, ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã có tham luận về tình hình an toàn thông tin của Việt Nam và đưa ra những vấn đề đáng quan tâm để đảm bảo an toàn thông tin trong hệ thống của tổ chức, doanh nghiệp.

Ghi nhận từ đầu năm đến nay, Cục An toàn thông tin đã nhận được 1.000 lượt phản ánh của người dân về các sự vụ lừa đảo trên không gian mạng. Nhiều chiến dịch tấn công diễn ra, trong đó có chiến dịch tấn công Phishing nhằm vào các Ngân hàng tại Việt Nam (thu thập thông tin cá nhân, thông tin giao dịch thanh toán của khách hàn…). Cục An toàn thông tin đã phát hiện và xử lý 506 website lừa đảo giả mạo tổ chức tài chính, ngân hàng, hỗ trợ xử lý ngăn ngừa 1,5 triệu người dùng internet Việt Nam tránh truy cập vào các trang lừa đảo, vi phạm pháp luật. Phối hợp địa phương cảnh báo, tuyên truyền đến cơ sở hàng tuần danh sách website giả mạo và xây dựng ứng dụng để bảo vệ người dùng.

Bộ TT&TT cũng ban hành Chỉ thị 60/CT-BTTTT năm 2021 về diễn tập ATTT thực chiến. Đôn đốc xây dựng kế hoạch diễn tập thực chiến, trong đó 51 bộ, ngành, địa phương đã có kế hoạch diễn tập thực chiến trong năm 2022. 09 bộ, ngành, địa phương đã phối hợp với Bộ TT&TT diễn tập thực chiến như: VPCP, Bộ KHĐT, Bộ GTVT, BHXH VN, Thái Nguyên, Nghệ An, Bình Phước, Kiên Giang, Hà Giang. Trong thời gian tới Bộ cũng sẽ tham mưu TTgCP ban hành Chỉ thị tăng cường năng lực ƯCSC trong đó có nội dung thúc đẩy diễn tập thực chiến và đánh giá, xếp hạng kết quả, hiệu quả của diễn tập thực chiến.

Ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã có bài tham luận trực tuyến tại Vietnam Security Summit 2022. Ảnh: Lê Hoàng
Ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã có bài tham luận trực tuyến tại Vietnam Security Summit 2022. Ảnh: Lê Hoàng

Dữ liệu thống kê đầu năm 2022 cho thấy ở Việt Nam có đến  2.643 sự cố về An toàn thông tin, với 2.022 cuộc tấn công cài mã độc, 378 cuộc tấn công lừa đảo và 243 cuộc tấn công thay đổi giao diện. Những cuộc tấn công này đang có xu hương gia tăng và đang nhắm vào các tổ chức , doanh nghiệp có hệ thống CNTT yếu kém, chưa chủ động và nhận thức đúng về tính quan trọng trong đảm bảo an toàn thông tin. Việc phát hiện những vấn đề bảo mật trong hệ thống của mình là rất quan trọng, nó giúp có thể đánh giá và đưa ra các giải pháp để hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, giảm thiểu thiệt hại trong hoạt động của doanh nghiệp. 

Các hình thức tấn công phổ biến hiện nay được Vietel đưa ra trong khuôn khổ hội nghị.
Các hình thức tấn công phổ biến hiện nay được Vietel đưa ra trong khuôn khổ hội nghị.

Trước tình hình này, theo ông Phương Nguyễn, sáng lập viên, ECQ Global thì chúng ta cần có một hệ thống có thể đánh giá và kiểm tra đối với  toàn thông tin trong hệ thống CNTT của doanh nghiệp. Từ đó, có thể siết chặt thời gian, hạn chế phạm vi và giới hạn nhiều kỹ thuật xâm nhập. ECQ Global cũng như nhiều doanh nghiệp khác như Vietel, FPT đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ để đảm bảo An toàn thông tin trên không gian mạng. 

Phiên Tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ phiên báo cáo chính với sự chủ trì của ông Lê Công Phú - Phó Giám đốc, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp Không gian mạng Việt Nam, đã mang đến cái nhìn tổng quát về những khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo an toàn thông tin mạng trong bối cảnh mới. Các khách mời đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, những đề xuất, kiến nghị nhằm thay đổi tư duy và giải pháp, chiến lược phòng ngừa và ứng phó với các thách thức an toàn, an ninh mạng cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ của sự kiện, ngoài phiên báo cáo chính sẽ diễn ra 3 hội thảo chuyên đề: Hội thảo chuyên đề 1 - Tăng cường an toàn thông tin mạng cho chính phủ số: mục tiêu và thách thức; Hội thảo chuyên đề 2 - Bảo vệ dữ liệu doanh nghiệp trong kỷ nguyên số; Hội thảo chuyên đề 3 - Xu hướng công nghệ mới ứng phó các cuộc tấn công mạng trong tương lai.

Nhiều doanh nghiệp về bảo mật và sản phẩm công nghệ tham gia triển lãm. Ảnh: Lê Hoàng
Nhiều doanh nghiệp về bảo mật và sản phẩm công nghệ tham gia triển lãm. Ảnh: Lê Hoàng

Cùng với phiên báo cáo chính còn diễn ra triển lãm quốc tế về an toàn không gian mạng. Hơn 30 nhà cung cấp công nghệ hàng đầu khu vực sẽ mang tới Triển lãm quốc tế năm nay những phiên bản cập nhật và tiên tiến nhất của các giải pháp về an toàn mạng và bảo mật thông tin. Đến với triển lãm, quý vị sẽ có cơ hội trải nghiệm thực tế các công nghệ như: Phòng chống thất thoát dữ liệu, Ngăn chặn cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) vào cơ sở hạ tầng quan trọng, Tấn công giả mạo (phishing), Mã độc tống tiền (ransomware), Bảo mật đám mây, SOC/SIEM, Quản lý truy cập, AI/ML, Bảo mật đám mây, IoT & Mạng 5G, SOC/SIEM, DevSecOps, Sinh trắc học, Dịch vụ vi phạm dữ liệu, Tấn công nội bộ, Bảo mật chuỗi cung ứng.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần