Vingroup viết tiếp giấc mơ ô tô Việt

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ khát vọng xây dựng một thương hiệu ô tô Việt có tầm vóc quốc tế, cao hơn là mong muốn được góp phần thúc đẩy sự phát triển của một trong những ngành công nghiệp chế tạo mang tính dẫn dắt tại Việt Nam, tạo động lực để các ngành công nghiệp liên quan cùng phát triển, Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST (Tập đoàn Vingroup) được triển khai đúng vào dịp lễ 2/9 đã được dư luận đánh giá cao và kỳ vọng sẽ viết tiếp giấc mơ ô tô Việt.

Từ thất bại của Vinaxuki…

Câu chuyện đại gia Bùi Ngọc Huyên thất bại với giấc mơ ô tô Việt mang thương hiệu Vinaxuki và gánh khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng vì những chính sách chung chung và không có tính đột phá đến giờ vẫn còn dư âm. Ông Bùi Ngọc Huyên từng chia sẻ, gần 10 năm qua, đã có DN ô tô Việt Nam đầu tư hướng tới việc sản xuất xe mang thương hiệu Việt giá rẻ, nhưng cuối cùng thất bại. “Vấn đề chính là các DN đầu tư vào sản xuất ô tô đã không nhận được sự hỗ trợ nào từ Nhà nước” – ông Huyên chỉ ra.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu, lãnh đạo Tập đoàn Vingroup khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST ngày 2/9.

Ảnh: Khắc Kiên
Sự thất bại của Vinaxuki và nhiều DN sản xuất, lắp ráp ô tô khác trong nước cho thấy sự thất bại của ngành công nghiệp ô tô một phần là do các bộ, ngành chưa thống nhất với nhau. Bộ Công Thương muốn phát triển ngành ô tô nhưng Bộ Tài chính lại đòi đánh thuế, phí rất cao như một kiểu bảo hộ cho nhóm DN FDI trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, câu chuyện về thuế, phí cao sẽ bắt đầu chấm dứt từ năm 2018, khi thuế ô tô nhập khẩu từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ về 0%. Lúc đó, các tập đoàn ô tô lớn sẽ không còn coi Việt Nam là nơi để đầu tư. Chính vì thế, lộ trình giảm thuế và sự thất bại của ngành công nghiệp ô tô phần nào khiến Chính phủ thấy sự cần thiết hỗ trợ các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Mới đây, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cùng thống nhất đề xuất thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất trong nước theo tỷ lệ nội địa hóa. Vingroup đầu tư sản xuất ô tô đúng thời điểm chính sách cho ngành công nghiệp ô tô bắt đầu có sự chuyển biến về nhận thức sẽ là cơ hội lớn để hiện thực giấc mơ ô tô Việt.

… đến đón đầu cơ hội

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Đạt được tiến độ là kỳ tích

Việt Nam là nước có thu nhập trên dưới 3.000 USD. Xu hướng ô tô hóa đang phổ cập trên thế giới và Việt Nam đang hướng đến xây dựng giao thông bằng xe ô tô. Vì vậy, việc Tập đoàn Vingroup quyết tâm đi vào sản xuất thương hiệu ô tô quốc gia Việt Nam là tín hiệu đáng mừng. Đi theo ôtô có hàng trăm xí nghiệp, nhà máy công nghiệp phụ trợ. Dự án ngay tại Hải Phòng giải quyết nhu cầu công ăn việc làm cho 25.000 lao động, và dự kiến 2025 có thể đóng góp ngân sách bằng mức thu nội địa của TP này hiện nay.

Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Vingroup, nhà đầu tư và TP Hải Phòng lưu ý, trong thời đại hội nhập, vấn đề sản xuất không những là môi trường mà thị trường cũng rất quan trọng để nghiên cứu các xu hướng tiêu dùng của thế giới, của khu vực ASEAN và của nước ta. Từ đó phân kỳ sản xuất, đầu tư hợp lý, phát huy hiệu quả của dự án. Theo Bộ Công Thương trình Chính phủ, có 3 cụm sản xuất ô tô lớn ở Việt Nam trong đó có Trường Hải ô tô và một số dự án khác. VINFAST sẽ phối hợp, hợp tác để có sự phân công hợp lý trong sản xuất, nhất là một số sản phẩm chuyên dụng, để phát huy hiệu quả toàn hệ thống. Chẳng hạn, sản xuất săm lốp, không phải làm tất cả, mà phải phân vai, phân phối hợp lý. Vingoup có nêu về tiến độ: Tháng 9/2018 có sản phẩm xe máy Việt, năm 2019 - 2020, có ô tô đầu tiên mang thương hiệu VINFAST, ô tô điện và ô tô chạy xăng. Đây là cố gắng lớn của Vingroup. Đạt tiến độ này sẽ là kỳ tích.

Sau 6 lĩnh vực: bất động sản (Vinhome), du lịch nghỉ dưỡng (Vinpearl), giáo dục (Vinschool), y tế (Vinmex), nông nghiệp (VinEco), bán lẻ (Vinmart), tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng chính thức bước chân vào lĩnh vực thứ 7 - công nghiệp nặng với thương hiệu ô tô Việt VINFAST. Rõ ràng, khi quyết định bước vào lĩnh vực công nghiệp ô tô, Vingroup đã đón đầu chính sách và quan trọng hơn, đó là tinh thần tự tôn dân tộc. Để hiện thực dự án, Vingroup vừa tăng vốn của VINFAST từ 700 tỷ đồng lên 5.250 tỷ đồng. Theo bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Vingroup, vốn đầu tư cho giai đoạn I dự án VINFAST lên đến 1 - 1,5 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư cho cả cụm nhà máy có thể lên tới 3,5 tỷ USD. “Ngân hàng Đầu tư Credit Suisse sẽ thu xếp nguồn vốn vay 800 triệu USD cho nhà máy này. Trong giai đoạn đầu, nhà máy sẽ sản xuất một mẫu sedan 5 chỗ và một mẫu SUV 7 chỗ và xe máy điện với công suất từ 100.000 - 200.000 xe/năm” – vị này cho biết.

Chia sẻ về chiến lược gia nhập lĩnh vực ô tô xe máy của Vingroup, Phó Chủ tịch Tập đoàn Nguyễn Việt Quang khẳng định, sự ra đời của VINFAST thể hiện khát vọng xây dựng một thương hiệu Việt Nam có tầm thế giới, khẳng định khả năng làm chủ các công nghệ hiện đại của người Việt. Thông qua lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy - một trong những ngành công nghiệp mang tính dẫn dắt, có tác động tới nhiều ngành nghề khác – Vingroup cũng mong muốn tham gia góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nặng và chế tạo tại Việt Nam. Đánh giá về dự án, Giám đốc điều hành kiêm Phó Chủ tịch Credit Suisse khu vực châu Á - Thái Bình Dương Lito Camacho nhận định, quy mô đầu tư lớn thể hiện cam kết của Vingroup đối với ô tô - lĩnh vực đang phát triển nhanh tại Việt Nam, cũng như đối với mục tiêu xây dựng nhà máy sản xuất hiện đại, được kỳ vọng là lớn nhất nước, đạt tầm quốc tế khi tận dụng sức mạnh của nền tảng tích hợp tài chính và ngân hàng đầu tư.

Còn nhiều việc phải làm

Nhận định về sự kiện, theo đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), với chính sách của Chính phủ đang đề ra, rõ ràng cần phải nội địa hóa cao mới tồn tại được. Còn chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ chia sẻ, việc Vingroup quyết định đầu tư vào sản xuất ô tô, xe máy với mục tiêu tỉ lệ nội địa hóa 60% và được Chính phủ cho phép là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, vị này băn khoăn, kế hoạch này sẽ rất khó khăn vì chỉ vài ba năm mà nâng tỷ lệ nội địa hóa của ô tô lên 60% sẽ không hề đơn giản.

Trong khi đó, GS.TSKH Phạm Văn Lang (Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch) thông tin, hiện ông đang tham gia trong Hội đồng xét duyệt dự án của Trường Hải và đặt vấn đề họ phải đạt ít nhất tỉ lệ nội địa 40% cho dự án mới này. Làm xe máy và ô tô điện là rất tốt nhưng để đảm bảo tính khả thi thì tỉ lệ nội địa hóa phải đạt 40% trở lên. “Thực tế, lĩnh vực công nghiệp chế tạo của Việt Nam còn kém nên cái gì cũng phải nhập khẩu. Do đó, việc Vingroup quyết tâm làm từ đầu, bao gồm đầu tư cả vào các ngành công nghiệp cơ khí phụ trợ thì chắc chắn cũng sẽ đẩy mạnh được tỷ lệ nội địa hóa tốt hơn” - GS Phạm Văn Lang nói. Đồng thời khuyến cáo, việc Vingroup bắt tay vào lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy cũng nên đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các DN cùng lĩnh vực chế tạo cơ khí, sản xuất ô tô, xe máy trong nước. Nếu chỉ một mình tự làm trong lĩnh vực này thì rất khó có thể thành công.

Được biết, trong báo cáo của Bộ Công Thương gửi Chính phủ về ngành sản xuất, lắp ráp ô tô và các giải pháp phát triển, Tập đoàn Thành Công kiến nghị ưu đãi đầu tư, giảm thuế nhập khẩu linh kiện về mức 0%, xây dựng các hàng rào thuế, phí bảo hộ xe lắp ráp… Ngoài ra, nhiều đề xuất của các DN cũng nhận được sự đồng tình của các địa phương.