Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vĩnh biệt GS.NGND Hà Văn Tấn

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 2/12, lễ viếng GS.NGND Hà Văn Tấn diễn ra tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội).

GS.NGND Hà Văn Tấn từ trần hồi 21 giờ ngày 27/11/2019 (tức ngày 2/11 năm Kỷ hợi) tại Bệnh viện Lão khoa T.Ư, Hưởng thọ 83 tuổi. 
Nhiều ngày qua, trên mạng xã hội, học trò của GS.NGND Hà Văn Tấn đã bày tỏ nỗi buồn trước sự ra đi của ông. TS Nguyễn Tiến Đông - Viện Khảo cổ chia sẻ: "Tôi nhớ cái hôm thầy ngã bệnh, 18 năm trước (2001), đưa thầy vào bệnh viện Hữu Nghị (tiêu chuẩn thầy ở đó). Họ đưa thầy vào phòng cấp cứu. Chúng tôi vào chỉ được nhìn từ ngoài thấy thầy nằm trên giường bệnh với đủ thứ dây dợ trên người. Lũ học trò chúng tôi biết đây là lần thứ 3 thầy đột quỵ và theo lí thuyết thì không qua khỏi. Chúng tôi hỏi các bác sĩ ở đó họ cũng nói là thầy các anh hết hi vọng rồi. Chỉ còn tính bằng giờ. Thế là hết, mấy đứa học trò, lớn có, bé có (bé lúc đó như tôi cũng đã 39 tuổi rồi) thẫn thờ, ngơ ngác.
 GS.NGND Hà Văn Tấn (thứ 3 bên trái) tại Hội thảo khoa học 30 năm phát hiện, nghiên cứu văn hoá sơn VI năm 1968 - 1998. Ảnh: Viện Khảo cổ học
Chúng tôi vội phân công các ca trực trông thầy rồi kéo nhau ra quán bia trước viện Khảo cổ học ngồi uống mà không hiểu mình đang uống gì. Không ai nói với ai câu nào. Rồi anh Ngô Thế Phong, 1 trong những trò được thầy quý mến lên tiếng: Thôi, các chú, ra đi như thế mới là thầy mình, thế mới đáng đẻ ra cái lũ anh em mình chứ. Uống đi! Tất cả cùng uống cạn cốc bia như thể tiễn thầy về nơi chín suối.

Ấy vậy mà, sau đó thầy kiên cường chiến đấu, nhất quyết không chịu rời cõi tạm. Sau vài ngày, Thầy vẫn cử động chân tay. Chúng tôi vào với thầy, thấy thầy hôn mê nhưng vẫn như lơ mơ. Chúng tôi ghé tai Thầy hỏi: Thầy ơi, Thầy muốn gì...? Không thể tưởng tượng được, Thầy huơ huơ tay phải (tay không bị liệt). Chúng tôi lấy quyển vở ra, ấn vào tay thầy cái bút và, thật kinh ngạc, Thầy viết cho dù mắt vẫn nhắm và hoàn toàn không ý thức xung quanh. Thầy viết là muốn nghe bài hát của Trịnh Công Sơn, tôi vội chạy về mang cây guitar đến ngồi đầu giường bệnh và chơi đàn, hát cho thầy nghe bài "Một cõi đi về": Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt..". Thầy cứ thiêm thiếp và hình như rất hài lòng. Chúng tôi hỏi thầy thế nào, thấy gì không? Với vài dòng nghuệch ngoạc trên quyển vở chúng tôi đưa vào, Thầy viết: Mình đến đây thấy cánh đồng hoa tươi, mát mẻ, chim hót rộn ràng, rất vui vẻ, dễ chịu... Chúng tôi ngạc nhiên vô cùng và nghĩ thầy đã đến Thiên Đàng. Quyển vở ấy chắc anh Hà Văn Cẩn vẫn giữ gìn cẩn thận.

Sau 1 ngày đêm đàn hát cho thầy thì chúng tôi bị đề nghị dừng với lí do không được phép mang đàn sáo hát hò ở đây. Sau đó, chúng tôi đành lén mang máy cassette vào mở nhạc Trịnh cho thầy nghe... Sau 1 thời gian, gia đình đưa thầy về bệnh viện Việt Nhật. Với sự chăm sóc chu đáo của cô, gia đình, các bác sĩ, bạn bè, học trò... dần dần thầy tỉnh lại và kiên cường chiến đấu với bệnh tật cho đến ngày ra đi.

"Tôi trộm nghĩ thầy đã đến nơi hẹn của gần 20 năm trước với cỏ hoa, cánh đồng bát ngát, không gian tươi sáng. Đó là Thiên đường. Thầy thật xứng đáng được lên THIÊN ĐƯỜNG" - TS Nguyễn Tiến Đông chia sẻ.
Dù không phải học trò trực tiếp của GS.NGND Hà Văn Tấn, PGS.TS Lâm Mỹ Dung cũng dành nhiều tình cảm cho ông. Trên mạnh xã hội, PGS.TS Lâm Mỹ Dung chia sẻ: "Cách thương tiếc đúng nhất của mỗi học trò trước sự ra đi của người thầy đó là kế thừa, nâng cao và truyền dạy những giá trị học thuật, đạo làm nghề mà thầy để lại. Dù không phải là học trò trực tiếp của thầy, không phải là cán bộ trực tiếp do thầy phụ trách, không tham gia bất cứ chương trình, dự án khảo cổ nào mà thầy chủ trì nhưng mình học được từ thầy những điều cốt lõi của nghề, đạo làm nghề. Đó là: Hoài nghi với tất cả các kết luận chính thống và phi chính thống về các sự kiện lịch sử. Bản thân các tài liệu khảo cổ học là khách quan, mọi diễn giải khảo cổ học không khách quan và phụ thuộc rất nhiều vào tâm, tài, đức của người làm khảo cổ.
Khảo cổ học là khảo cổ học, ngành khoa học với những phương pháp liên ngành khoa học con người, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật. Khoa học khảo cổ Việt Nam cần thoát khỏi tâm thế hoặc dân tộc chủ nghĩa cực đoan, hoặc Hoa tâm, hoặc Âu tâm.
Xin vĩnh biệt thầy GS Hà Văn Tấn. Nếu linh hồn là trường thông tin thì trường thông tin khoa học uyên bác của thầy trường tồn trong vũ trụ, tiếp năng lượng tích cực cho tất cả chúng em!"
GS.NGND Hà Văn Tấn tốt nghiệp đại học ngành lịch sử tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1957 với vị trí thứ 2 và được giữ lại trường làm cán bộ bộ môn lịch sử cổ đại Việt Nam.
Ông được công nhận chức danh giáo sư năm 1980, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 1997. Ông là chủ nhiệm bộ môn phương pháp luận sử học, Khoa Lịch sử (1982 - 2009), Viện trưởng Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) giai đoạn 1988 - 2008.

GS.NGND Hà Văn Tấn là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu và sách như: Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam; Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam tập 1; Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam; Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII; Thuật ngữ sử học, dân tộc học khảo cổ học Nga - Việt; Lịch sử Phật giáo Việt Nam; Chùa Việt Nam…

GS.NGND Hà Văn Tấn từ trần hồi 21 giờ ngày 27/11/2019 (tức ngày 2/11 năm Kỷ hợi) tại Bệnh viện Lão khoa T.Ư, Hưởng thọ 83 tuổi. Lễ viếng từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 ngày 2/12/2019 (tức ngày 7/11 năm Kỷ Hợi), tại Nhà Tang lễ số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội. Hóa thân cùng ngày tại Đài Hóa thân Hoàn vũ, Văn Điển, TP Hà Nội

Lễ an táng lúc 5 giờ ngày 5/12/2019 tức ngày 10/11 năm Kỷ hợi, tại Nghĩa trang Lạc Hồng Viên, xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.