Vĩnh biệt người con ưu tú của Thủ đô – võ sư Hoàng Vĩnh Giang

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Thể thao Việt Nam phát triển như hiện nay có dấu ấn và đóng góp to lớn của ông Hoàng Vĩnh Giang”, rất nhiều cán bộ quản lý thể thao nước nhà đã có chung nhận định như thế về nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang.

Đối với thể thao Việt Nam, ông là một huyền thoại, thành công cả trên cương vị vận động viên lẫn nhà quản lý. Đối với Thủ đô, ông là người công dân ưu tú, tiêu biểu của Hà Nội. Với bạn bè, đồng nghiệp ông Hoàng Vĩnh Giang là “con sếu đầu đàn” mãi mãi không chịu ngừng bay.

 ''Kiến trúc sư trưởng'' của thể thao Hà Nội, võ sư Hoàng Vĩnh Giang

Gia đình truyền thống

Ông Hoàng Vĩnh Giang sinh năm 1946, là con của cố Giáo sư, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám (quê quán Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vừa đột qụy, qua đời trưa nay 11/9, tại Hà Nội sau một thời bạo bệnh, thọ 75 tuổi.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, lúc chưa họp Quốc hội khóa I, Bác Hồ là Chủ tịch Chính phủ lâm thời kiêm luôn chức Bộ trưởng Ngoại giao. Văn phòng của Bác Hồ thiếu một người giúp việc phụ trách về quan hệ với Pháp, vì vậy, ông Võ Nguyên Giáp (khi đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) tiến cử ông Hoàng Minh Giám. Và Sắc lệnh đầu tiên mang số 01 do đồng chí Võ Nguyên Giáp thừa lệnh Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký ngày 30/8/1945 là bổ nhiệm ông Hoàng Minh Giám làm Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tháng 3/1947, trên đường đi chiến khu Việt Bắc, ông Hoàng Minh Giám nhận được tin làm Bộ trưởng Ngoại giao thay Hồ Chí Minh qua báo Cứu quốc.

Cây đại thụ của làng thể thao Việt Nam – võ sư Hoàng Vĩnh Giang không chỉ có người bố xuất sắc, mà còn có ông ngoại là đại thần nhà Nguyễn Cao Xuân Dục. Gia tộc của ông có truyền thống nhiều đời đỗ khoa bảng, giữ chức vụ cao và đã có đến hai Thượng thư Bộ lễ.

Gia đình ông Hoàng Vĩnh Giang có tố chất thể thao, các anh, chị, em trong nhà đều có thể chơi tốt ít nhất một môn thể thao nào đó. Anh trai Hoàng Trung Hùng, từng là một hậu vệ bóng đá và đã hy sinh tại chiến trường B. Anh trai khác là Chủ tịch Hội Pencak silat Hà Nội Hoàng Vĩnh Hồ vốn là tay bơi có hạng của Thể thao Hà Nội. Chị gái Hoàng Thị Phúc cũng là VĐV điền kinh có tiếng. Người vợ thứ hai, bà Trương Thị Ngọc Lan chính là huấn luyện viên đội nhảy cầu của Việt Nam.

Khi còn trẻ, ông Hoàng Vĩnh Giang từng là VĐV nhảy cao nam số 1 Việt Nam với thành tích 1m96. Năm 1968, ông được cử sang Kiev (Liên Xô) học chuyên ngành quản lý thể thao tại Đại học TDTT Kiev, cùng thời với chuyên gia bóng đá Trần Duy Long. Khi ở đây, ông chính là người Việt Nam đầu tiên áp dụng kỹ thuật nhảy qua xà bằng lưng để "bay" qua mức xà 2m01. 

Không chỉ là VĐV nhảy cao, ông Hoàng Vĩnh Giang cũng là tay chơi bóng rổ không xoàng. Khi cần, ông cũng xỏ giày thi đấu bóng đá và tài năng của ông cũng khiến cho ông bạn Trần Duy Long kiêng nể. Sau 8 năm ăn học ở nước ngoài, khi trở về Việt Nam với một khát vọng tự nhủ trong lòng phải thiết kế lại cho thể thao Hà Nội nói riêng mà cũng là giúp cho thể thao Việt Nam nói chung lộ trình tiến ra khu vực và châu lục.

 Võ sư Hoàng Vĩnh Giang khi còn trẻ

“Kiến trúc sư” thể thao

Với cương vị Giám đốc Sở TDTT Hà Nội ông Hoàng Vĩnh Giang dày công nghiên cứu thế mạnh của thể thao Thủ đô và hoạch định chiến lược đưa thể thao TP giữ ngôi vị số 1 của Việt Nam. Một mặt ông chú trọng phát triển thể thao quần chúng, thể thao học đường nhằm phát hiện những nhân tài trong cộng đồng. Mặt khác, nhờ mối quan hệ cá nhân ông mời các chuyên gia thể thao Trung Quốc và các nước XHCN (cũ) ở Đông Âu đến tham gia tập huấn cho các VĐV thành tích cao. Tranh thủ điều kiện để nâng cao trình độ cho đội ngũ HLV thể thao Hà Nội. Mặt khác, ông tìm cách gửi các VĐV Hà Nội sang Trung Quốc và các nước khác để “ba cùng” với các VĐV chủ nhà, học hỏi kinh nghiệm của bạn, tranh thủ tập luyện với điều kiện trang thiết bị hiện đại, để các VĐV có điều kiện để hưởng các điều kiện y tế, dinh dưỡng thể thao tại các quốc gia phát triển.

Nhà thơ Phạm Mầu chia sẻ: “Tôi rất nhớ khi làm Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên Hà Nội số 1 Tăng Bạt Hổ (1986-1988) tôi đã được anh Giang giúp đỡ rất nhiều xây dựng các CLB TDTT như võ dân tộc, võ karate, judo, bơi lội... Nhà anh ở ngay trước cửa Nhà văn hóa Thanh Niên Hà Nội, đường Tăng Bạt Hổ, khi rảnh rỗi là anh sang với các thành viên CLB”. Đến giờ nhà văn hóa và trường năng khiếu 10/10 đang là địa chỉ cung cấp nhiều VĐV thi đấu chuyên nghiệp cho Hà Nội.

Thể thao Hà Nội dưới thời ông Hoàng Vĩnh Giang làm lãnh đạo đã đạt được nhiều thành tích ở các kỳ SEA Games tại nhiều môn mũi nhọn như: Điền kinh, thể dục dụng cụ, Taekwondo, wushu, judo, vật…Không chỉ các môn vật, võ mà “kiến trúc sư” của thể thao Hà Nội chính là người đặt nền móng cho bóng đá nữ Thủ đô bằng cách mời HLV Giả Quảng Thác sang nắm đội. Từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, chính nhà quản lý có tầm nhìn xa Hoàng Vĩnh Giang đã cùng võ sư Quyền anh Thủ đô Hoàng Kiềm âm thầm triển khai việc khôi phục môn boxing ở Hà Nội để nó phát triển như ngày hôm nay.

Ông Giám đốc Sở TDTT Hà Nội ngày ấy vừa là cấp trên, vừa là cha, là chú của một thế hệ vàng tài năng của thể thao Hà Nội như các VĐV Phương Lan, Thúy Hiền, Duy Kiếm, Thanh Xuân (wushu); Nguyễn Thị Tĩnh, Lan Anh, Chí Đông (điền kinh); Ngân Thương (thể dục). Tính ông thẳng, đôi khi trong công việc vì thế cũng làm mất lòng một số người, nhưng các đồng nghiệp hiểu được cái tâm của công, sự lo lắng vì công việc chung của ông.

Xuất thân từ VĐV rồi trở thành nhà quản lý, Giám đốc Sở TTTT Hà Nội là người đã có hẳn một triết lý xây dựng và phát triển thể thao “Made in Hoang Vinh Giang”. Để rồi, có người yêu, kẻ ghét nhưng tất thảy ai nấy đều công nhận, ông là người đặt dấu mốc quan trọng của thể thao nước nhà trong quá trình hội nhập trở lại với thể thao Đông Nam Á. Chủ trương của ông Hoàng Vĩnh Giang là “đi tắt, đón đầu, bằng cách nhanh nhất để đạt thành tích cao nhất” sau này đã trở thành định hướng chiến lược của thể thao Việt Nam khi ông lẫn lượt giữ các vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam. Việc tinh thông cả 3 thứ ngoại ngữ: Nga, Trung, Anh đã giúp ông có điều kiện làm việc với các đối tác nước ngoài, tiếp thu cái hay, cái mới của thế giới. Nhiều lần ông được giao nhiệm vụ làm trưởng đoàn thể thao Việt Nam tham dự các đại hội thể thao khu vực và châu lục; ngoài năng lực chuyên môn, khả năng ngoại giao còn do am hiểu văn hóa, ngoại ngữ.

Công dân Hà Nội ưu tú

Ông còn giữ cương vị Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung Hà Nội. Tại cương vị này, ông đã đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh được cả 2 phía ghi nhận. Ông chính là người đã đưa các HLV nổi tiếng Phan Hán Quang, Trần Húc Hồng, Ngô Thanh Vỹ, Lư Kiến Thành, Giả Quảng Thác, Suhartono, K. Pizma hay N. Alexev… đến với Việt Nam.

Đến giờ ông là nhân vật duy nhất của thể thao Việt Nam được trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (năm 2006). Ông cũng từng được trao danh hiệu Công dân ưu tú của Thủ đô năm 2010. Năm 2004, ông Hoàng Vĩnh Giang được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Hoàng Vĩnh Giang không chỉ là một huyền thoại của thể thao Việt Nam, ông còn là điển hình của mẫu những người đàn ông hào hoa, phong nhã của đất Hà Nội. Giọng hát Hoàng Vĩnh Giang luôn được Hội lưu học sinh Liên Xô (cũ) nhắc đến trong các lần tụ họp. Bằng giọng nam trung ấm áp có thể hát hàng trăm ca khúc tiếng Nga, Trung Quốc hay Indonesia nhưng ông vẫn hát nhiều nhất những giai điệu bài hát Nga.

Ông thích bàiCây thùy dương” là bài hát đặc trưng cho lối hát đồng ca của dân tộc vùng Ural của Nga. Phần nhạc được viết bởi nhạc sĩ nổi tiếng Evgenhi Podygin, lời dựa theo bài thơ của Mikhain Pilipenko. Khi vui ông lại hát tặng bàn bè bài “Đôi bờ” do nhạc sĩ Andrey Yakovlevich sáng tác, phần lời của Grigorii Mikhailovich Pozhenyan. Ca khúc có ca từ đẹp lãng mạn ngợi ca tình yêu chung thủy của người con gái với người con trai.

Hôm nay, mọi người sẽ hát tặng ông một giai điệu mà khi sông ông thích, bài “Đàn sếu” bằng cả tiếng Nga lẫn tiếng Việt. Bạn bè và người thân muốn ông như con sếu trắng “Tôi thường nghĩ đôi khi bao người lính/Không trở về từ bãi chiến trường xa/ Đã chẳng chịu vùi thây trong lòng đất/Mà hiện hình thành sếu trắng bay qua”...