Vĩnh biệt tượng đài thế kỷ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/12, Lễ tang cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã được cử hành trọng thể vào lúc 11 giờ ngày 10/12, tại sân vận động Soccer City với sức chứa 80.000 người ở thành phố Johannesburg - nơi ông Mandela xuất hiện lần cuối cùng trước công chúng trong dịp World Cup 2010.

Khởi đầu sự nghiệp đấu tranh chống áp bức từ những năm còn là sinh viên đại học và đến năm 1948, ông đã nổi lên như một nhà hoạt động chính trị xuất sắc. Ngay cả khi bị giam cầm suốt 27 năm tại đảo Robben rồi tại các nhà tù Pollsmoor, Victor Vester, nhân cách chói lọi của Mandela vẫn là nguồn cảm hứng của phong trào đấu tranh chống chế độ Apacthai hà khắc. Kể từ khi trở thành Tổng thống da đen đầu tiên của nước CH Nam Phi vào tháng 5/1994, ông Mandela đã nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng các chính sách nhằm thúc đẩy cải cách ruộng đất, đấu tranh chống đói nghèo và phát triển mạng lưới phúc lợi xã hội. Theo các nhà bình luận, Nelson Mandela vĩ đại không chỉ với tư cách là người chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid mà ông còn là hiện thân của đức bao dung và lòng vị tha. Dù Apartheid đã gây ra quá nhiều đau thương nhưng ông luôn kêu gọi, người dân Nam Phi phải quên đi những tội lỗi của chế độ trong quá khứ để tiến lên phía trước.
Người dân Nam Phi tại Lễ tang cố Tổng thống Mandela.                            Ảnh: EPA
Người dân Nam Phi tại Lễ tang cố Tổng thống Mandela. Ảnh: EPA
Nhân cách và sự nghiệp vĩ đại của cố Tổng thống Nelson Mandela đã ghi dấu trong lịch sử nhân loại, được nhân dân Nam Phi nói riêng và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới nói chung yêu mến, lãnh đạo các quốc gia trên toàn cầu nể phục. Có lẽ vì thế mà hiếm có một lễ tang nào lại có sự hiện diện của gần 60 lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và các tổ chức quốc tế. Ngoài đương kim Tổng thống Barack Obama, 3 cựu Tổng thống Mỹ là George W. Bush (cùng phu nhân Laura Bush); cựu Tổng thống Bill Clinton cùng phu nhân là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton; cựu Tổng thống Jimmy Carter đã tham dự lễ tang ông Mandela.

Thi hài ông Mandela không được đặt tại sân vận động Soccer City trong ngày tổ chức tang lễ, mà được chuyển tới Dinh Tổng thống vào ngày 11/12 dưới hình thức một lễ rước linh cữu qua các đường phố để người dân đưa tiễn Người cha của dân tộc lần cuối, sau đó thi hài được quàn tại đây đến hết ngày 13/12.

Theo đại diện Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam, từ 9 - 13/12, các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có thể đến tầng 3, tòa nhà trung tâm, số 31 Hai Bà Trưng, Hà Nội để viếng người anh hùng của nhân dân Nam Phi. Ngoài ra, trong Lễ kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nam Phi tối 11/12 sẽ có chương trình đặc biệt về huyền thoại Mandela.

Thế giới đã mất đi một trong những nhân vật vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại hiện đại. Và những lời vĩnh biệt với tượng đài thế kỷ Nelson Mandela đã, đang và sẽ tiếp tục được nhân dân Nam Phi nói riêng và nhân dân ưa chuộng hòa bình trên toàn thế giới nói chung chân thành thể hiện.q Chiều 10/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu đại diện Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đến Đại sứ quán Nam Phi, tại Hà Nội đặt vòng hoa viếng cựu Tổng thống nước CH Nam Phi Nelson Mandela.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần