Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Vĩnh biệt và khắc ghi…

KTĐT - Đặt bút viết về ông lúc này thật khó. Bởi mỗi độ Xuân về, người ta đã quen có những trang viết sâu xa, thâm trầm của Nhà Hà Nội học trên những ấn phẩm đượm sắc xuân.

Nhưng năm nay, Xuân Nhâm Thìn đã gõ cửa, hoa đào đã khoe sắc, mà người ta thấy vắng những câu chữ như ruột gan của ông - nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc - cho mảnh đất nghìn năm văn hiến này. Hơi thở đời người đã dừng lại tuổi 86 trong căn nhà nhỏ bốn bề là sách trên phố Ngô Quyền vào đúng ngày mồng 6 Tết (28/1/2012).

Mái tóc màu cước trắng, tuổi "bát thập" của ông vẫn "gối đầu" trên những trang sách, những dòng viết và cả những dòng ngẫm ngợi, suy tư, đau đáu dõi theo từng bước chân của Hà Nội, dẫu mảnh đất này không phải là nơi "chôn nhau cắt rốn" của ông. Làm thầy từ thuở Hà Nội có trường Khai Thành, thuở trường Lý Thường Kiệt bây giờ còn khắc trên cổng cái tên "Hà Nội B", ông là một trong không nhiều giáo viên "lên lớp" được cả ba môn Văn, Sử, Địa. Dạy học rồi nghiên cứu, vốn tháng năm trong cuộc đời nghiên cứu của ông đã ngót nghét 60 năm, trong ấy có không ít công trình nghiên cứu riêng về Hà Nội, không dưới 15 tác phẩm viết riêng về Hà Nội. Nào là "Hà Nội qua những năm tháng", "Hà Nội thành phố nghìn năm", nào là "Đường Hà Nội", "Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng thị dân"… Hỏi gì về mảnh đất linh thiêng này ông cũng rành, từ góc phố đến dáng vóc con người, thế nên người đời đã vinh danh ông bằng cụm từ "Nhà Hà Nội học".

Kể cả những tháng ngày nằm dưỡng bệnh cuối đời, ông vẫn đau đáu trong trái tim một dáng hình Hà Nội, vẫn đeo kính mở sách đọc những lúc có thể… Bao nhiêu cuộc điện thoại gọi đến hỏi thăm sức khỏe, hỏi kiến thức, hay xin ý kiến một vấn đề nào đó… ông đều cố gắng trả lời khúc chiết như lúc còn khỏe, dù giọng nói đã nhỏ lại, đượm vẻ yếu mệt. Bao nhiêu người đến thăm, lúc về dù không đứng dậy để tiễn chân ra tận cửa như trước được nữa, thì ông vẫn trao gửi một cái nắm tay ấm áp và chân tình, như thể truyền cho người ta hơi ấm của tình người, của sự động viên và tin cậy. Cho đến những ngày cuối cùng, khối óc ấy vẫn đầy minh mẫn, không nhẫm lẫn bất cứ một ai, không quên bất cứ điều gì, cho dù lời nói ra không còn dễ dàng như trước…

Ông đã sống một cuộc sống bình dị và thanh cao của nhà giáo, không phân biệt sang hèn, không khư khư giữ sự hiểu biết làm của riêng. Ai dõi theo bước thăng trầm của Hà Nội sẽ biết, trong bao nhiêu công việc quan trọng của thành phố có sự đóng góp trí tuệ của ông. Không phải ngẫu nhiên mà ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú", được trao tặng giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội", được vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú" đợt đầu tiên... Cũng không thể không nói rằng, ông là một chỗ dựa đầy tin cậy của báo giới. Riêng với Kinh tế & Đô thị, ông còn là một trong những cây bút tên tuổi góp sức xây dựng tờ báo từ buổi khai sinh (năm 1999) bằng chuyên mục "Đường phố Hà Nội mới đặt tên". Đều đặn từ buổi ấy, năm nào Kinh tế & Đô thị số Xuân cũng có bút tích của Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc. Chỉ đến Xuân Nhâm Thìn này… Hẳn nhiều người của lớp trẻ cũng kính mến và nhớ về ông như tôi, bởi chúng tôi luôn nhận được từ bậc "lão làng" ấy một sự nâng đỡ, dìu dắt tận tình như của người thầy, sự chỉ bảo cách làm nghề và cách sống như của một người cha.

Một cuộc đời dường như dành tất cả trí tuệ và tâm tư cho Thủ đô nghìn năm văn hiến, đã khép lại trong thanh thản và có lẽ là viên mãn. Bởi cách đây mấy năm, ông đã tâm sự rằng: "Trời cho tôi sống đến tuổi này là rất đáng quý rồi. Tôi không mong mỏi gì khác là giữ được sức khoẻ, đến khi "nhắm mắt xuôi tay" được nhẹ nhàng, thanh thản. Sau 40 năm dạy học, tôi vui vì mấy chục thế hệ học sinh đã trưởng thành và vẫn nhớ về tôi như nhớ về một người thầy yêu mến, dù bây giờ tôi không còn giúp được cho học trò là mấy. Học trò vẫn nhớ như in những bài giảng văn, bình thơ, giảng sử… của tôi, nhớ từng câu từng chữ. Với người dạy học, thế là vinh quang, là viên mãn lắm rồi. Và trong tôi cũng có nỗi niềm mừng vui vì mình đã có đóng góp ít nhiều cho Hà Nội".

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Biển người đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh chờ xem pháo hoa

Biển người đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh chờ xem pháo hoa

30 Apr, 07:35 PM

Kinhtedothi - Mặc dù thông báo 21 giờ mới tổ chức bắn pháo hoa nhưng ngay từ sớm hàng nghìn người dân đã kéo về khu trung tâm TP Hồ Chí Minh để để vui chơi, biểu diễn nghệ thuật 3D mapping và tìm vị trí đẹp chờ màn bắn pháo hoa mừng lễ 30/4.

Nam Định: tổ chức tuyên truyền chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 

Nam Định: tổ chức tuyên truyền chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 

30 Apr, 06:09 AM

Kinhtedothi - Thực hiện Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 30/3/2025 của UBND tỉnh về xây dựng “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy” năm 2025; Kế hoạch số 48/KH-CAT-PC07 ngày 07/3/2025 của Giám đốc Công an tỉnh Nam Định về việc thực hiện công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH).

Bình Dương rộn ràng Ngày hội "Thống nhất non sông"

Bình Dương rộn ràng Ngày hội "Thống nhất non sông"

29 Apr, 02:18 PM

Kinhtedothi - Sáng 29/4, trong không khí phấn khởi kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các khu phố, ấp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã đồng loạt tổ chức Ngày hội "Thống nhất non sông".

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ