70 năm giải phóng Thủ đô

Vĩnh Long: Cam sành rớt giá thê thảm, thương lái vẫn không mua

Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nông dân Vĩnh Long hiện đang rất lo lắng khi giá cam sành rớt thê thảm, nhiều nơi nông dân chấp nhận bán với giá 1.000 - 2.000 đồng/kg nhưng thương lái không chịu mua.

Theo nhiều nhà vườn trồng cam tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, gần 1 tháng nay giá cam liên tục giảm. Cam chín vàng ươm, nhưng giá bán chỉ 2.000 đồng/kg, tiêu thụ lại cầm chừng, làm cho người trồng thấp thỏm, lo âu.

Cam sành ở Vĩnh Long giảm kỷ lục còn từ 1.000 đồng/kg
Cam sành ở Vĩnh Long giảm kỷ lục còn từ 1.000 đồng/kg

Nếu trước Tết, giá cam sành tại địa phương này từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, thì từ sau Tết đến nay giá liên tục giảm, từ 7.000- 8.000 đồng/kg, rồi xuống 5.000 đồng/kg và hiện chỉ còn khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Ông Phan Hoài Nam - chủ vườn trồng cam tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: "Nhà tôi có 4 công đất trồng cam, đợt này thu hoạch được 10 tấn cam, nhưng giá cam rớt thê thảm quá. Mấy ngày trước còn bán được 4.000 đồng/kg, giờ cam chín, rụng đầy vườn, tôi bán 1.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua."

"Mấy ngày gần đây, có nhóm bạn tên là Phương Tấn Đạt ở Cần Thơ liên hệ để giải cứu nông dân. Nhóm này lấy tầm vài tấn cam, chia thành túi 5kg rồi bày bán trước nhà văn hóa Lao động với giá 30.000 đồng/kg. Bây giờ nông dân chúng tôi chỉ trông chờ vào sự chung tay của tổ chức và doanh nghiệp giải cứu cho đợt cam chín tiếp theo" - ông Hoài Nam cho hay.

Ông Nguyễn Tấn Phương - Giám đốc Hợp tác xã cam sành Phương Thúy (huyện Trà Ôn), cho hay, hiện Hợp tác xã đã “đặt cọc” 400 tấn cam, song sức mua hạn chế, cam chín vàng buộc phải cắt bán cầm chừng. Với giá cam chín chỉ 2.000 đồng/kg, trừ chi phí người trồng lỗ hơn 3.000 đồng/kg.

Bây giờ nông dân chúng tôi chỉ trông chờ vào sự chung tay của tổ chức và doanh nghiệp giải cứu cho đợt cam chín tiếp theo.
Bây giờ nông dân chúng tôi chỉ trông chờ vào sự chung tay của tổ chức và doanh nghiệp giải cứu cho đợt cam chín tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Tám - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện toàn huyện có 9.500ha trồng cam. Giá cam nhiều tuần nay liên tục giảm, nhiều vườn cam chín rụng nhưng vẫn không có người mua khiến nông dân trồng cam gặp khó, thua lỗ.

Giá cam sành rớt thảm khiến người trồng không khỏi thấp thỏm, lo âu.
Giá cam sành rớt thảm khiến người trồng không khỏi thấp thỏm, lo âu.

Theo ông Nguyễn Văn Tám, ước lượng mỗi ngày địa phương thu hoạch 1.200.000 tấn cam, tính đến cuối tháng 3/2023, địa phương còn tồn đọng khoảng 60.000 tấn cam.

Chia sẻ về nguyên nhân giá cam giảm, ông Nguyễn Văn Tám cho rằng, những năm gần đây, nông dân liên tục mở rộng diện tích khiến sản lượng tăng mạnh nên dẫn đến tình trạng "cung vượt cầu". Bên cạnh đó, thị trường miền Bắc chưa tiêu thụ kịp vì trời lạnh và cam sành bung ra lúc lại trùng với mùa thu hoạch một số giống cam của miền Bắc, miền Trung. 

"Hiện, chúng tôi đang cố gắng hỗ trợ nông dân tiêu thụ hết số lượng cam chín, dù giá thấp cũng cố gắng xuất bán hết lượng cam chín tồn đọng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng đã đưa thông tin cam sành lên sàn thương mại điện tử, dự kiến sẽ tiêu thụ được khoảng 60 tấn cho bà con. Đồng thời, chúng tôi tiến hành vận động các doanh nghiệp, tổ chức tiếp tục giải cứu cam cho bà con nông dân", ông Nguyễn Văn Tám nói.

 

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, tỉnh đã có quy hoạch 12.000ha đất nông nghiệp để trồng cam. Tuy nhiên mấy năm qua giá cam tăng cao làm cho diện tích cam hiện nay tăng lên hơn 17.000 ha, vượt 5.000ha so với kế hoạch. Các địa phương trồng cam sành nhiều nhất là huyện Trà Ôn, Tam Bình và Vũng Liêm.

Trước đó, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã cảnh báo về diện tích cam sành phát triển "nóng", cần phải có những khuyến cáo cho nông dân. Tuy nhiên, vào thời điểm trên, việc trồng cam đang có lãi nên khuyến cáo không được nông dân tuân thủ. Do đó, chính quyền chỉ trong vai trò hỗ trợ người dân về cây giống, kỹ thuật...