Bão số 3 khiến Vĩnh Phúc thiệt hại khoảng 705 tỷ đồng
Sáng 8/10, thông tin đến phóng viên tại cuộc họp giao ban báo chí tháng 9/2024 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức, ông Nguyễn Văn Độ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: bão số 3 đã gây thiệt hại lớn về tài sản và cả tính mạng của người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Cụ thể, bão khiến 2 người thiệt mạng và 2 người bị thương; 582 căn nhà bị hư hỏng; hơn 10 nghìn ha lúa và hơn 3 ha hoa màu bị hư hại; hơn 500 gia súc và gần 70 nghìn gia cầm chết; gần 1.300 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
“Ngoài ra, bão số 3 cũng gây thiệt hại nghiêm trọng về đê điều và thủy lợi, với 14 sự cố xảy ra trên các tuyến đê từ cấp III trở lên như vỡ cống, thẩm lậu mái đê, đùn sủi, lún nứt mặt đê; 8 sự cố khác xảy ra trên các tuyến đê dưới cấp III. Hơn 15km kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 10 đập thủy lợi bị sạt lở. Tổng thiệt hại về kinh tế do bão và hoàn lưu bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ước tính đến ngày 7/10 khoảng 705 tỷ đồng”- ông Nguyễn Văn Độ thông tin.
Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, phân loại diện tích cây trồng bị thiệt hại để có giải pháp khắc phục. Đồng thời, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương báo cáo thiệt hại do thiên tai và cử cán bộ chuyên môn đến hiện trường hướng dẫn người dân cải tạo môi trường, khôi phục hệ thống lồng bè, ao đầm, chọn con giống thả nuôi bổ sung.
Sở cũng đã triển khai thu 34 mẫu nước quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản để phân tích, khuyến cáo biện pháp xử lý giúp giảm thiệt hại do biến đổi môi trường gây ra. Bên cạnh đó, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức phun khử trùng môi trường chăn nuôi: thực hiện tại 8/9 huyện, thành phố, thời gian từ 15/9 đến 30/9 đã tiến hành phun hóa chất khử trùng tiêu độc cho gần 6.800 hộ chăn nuôi bị ngập úng sau mưa bão.
Cần khoảng 238 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão số 3
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, các sự cố xảy ra với hệ thống đê điều trong đó sự cố về cống đã được xử lý bằng biện pháp hoành triệt tạm thời (lấp, chắn ngang không cho nước chảy qua); các sự cố thẩm lậu, đùn sủi được lực lượng chuyên trách quản lý đê điều phối hợp chính quyền địa phương khống chế tạm thời, hiện đang cắm cờ khoanh vùng theo dõi.
"Để khắc phục các sự cố, Sở NN&PTNT đã báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc và đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hỗ trợ 198 tỷ đồng để sửa chữa hệ thống đê điều. Đây cũng là biện pháp khắc phục về mặt lâu dài” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết.
Hiện tại, Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang khẩn trương tổng hợp thiệt hại, đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ về sản xuất nông nghiệp (cây trồng, vật nuôi, thủy sản) sau thiên tai. Ước tính kinh phí hỗ trợ để khôi phục sản xuất sau thiên tai theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ khoảng 40 tỷ đồng.
Về biện pháp trước mắt để bù đắp thiệt hại do thiên tai gây ra, theo Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc, các huyện, thành phố cần rà soát, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông năm 2024 linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể từng đị phương. Phấn đấu gieo trồng hết diện tích cây vụ Đông theo kế hoạch là 14,5 nghìn ha để tạo thêm việc làm, thu nhập, góp phần ổn định đời sống sau bão số 3. Đồng thời đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025.