Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vĩnh Phúc: Cư dân nhiều xã của huyện Lập Thạch khốn khổ vì “khát nước”

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều xã trên địa bàn huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đang rơi vào tình cảnh “khát nước” sinh hoạt do nguồn nước ngầm khô cạn, khan hiếm. Thực trạng diễn ra trong thời gian dài khiến cư dân khốn khổ, nhất là trong thời điểm nắng nóng, oi bức hiện tại.

Nguồn nước ngầm khô cạn, khiến người dân xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc nhiều tháng nay phải mua nước sinh hoạt với chi phí không hề rẻ. 
Nguồn nước ngầm khô cạn, khiến người dân xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc nhiều tháng nay phải mua nước sinh hoạt với chi phí không hề rẻ. 

Trên vùng “đất khát”…

Qua tìm hiểu PV báo Kinh tế và Đô thị được biết, trên địa bàn huyện Lập Thạch có 3 xã rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng gồm: Đồng Ích; Xuân Lôi, và đặc biệt là xã Tiên Lữ.

Đây là ba xã nông thôn của huyện Lập Thạch, nguồn nước sinh hoạt của nhân dân các địa phương này chủ yếu là nước giếng khơi (giếng đào), hoặc giếng khoan. Nhưng thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường, bê tông hóa đường làng ngõ xóm và giao thông nội đồng, tình trạng san lấp ao hồ… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngầm.

Hệ thống giếng khơi, giếng đào vốn cung cấp nước sinh hoạt hàng ngày cho người dân hiện tại lâm vào tình cảnh cạn kiệt, không còn khai thác được nữa. Khiến hàng nghìn hộ gia đình với hàng chục nghìn nhân khẩu tại các địa phương trên chung tình cảnh “khát nước”. Các hộ gia đình rơi vào tình cảnh này, hằng ngày phải mua nước bình từ các đại lý về sử dụng, với chi phí vô cùng đắt đỏ.

Chỉ vào chiếc giếng đào cạn nước trơ đáy nhiều tháng nay, ông Tiến một người dân xã Tiên Lữ cho biết, hiện tượng nước sinh hoạt có dấu hiệu khan hiếm diễn ra từ những năm trước đây. Nhưng tình hình càng trở nên nghiêm trọng kể từ thời điểm cuối năm 2022 đến nay - giếng khoan, giếng đào đều tụt nước cạn đáy, cư dân không còn có thể bơm hút nước để phục vụ các công việc sinh hoạt tắm giặt hàng ngày nữa, cây trồng thiếu nước cũng trở nên khô héo, hoặc sống lay lắt.

“Nhiều tháng nay chúng tôi phải chủ động đi mua nước sinh hoạt từ những thương lái đem về địa phương bán với giá rất đắt, hiện tại trung bình mỗi téc nước (một khối) có giá 200.000đ, có thời điểm lên tới 250.000đ/khối (so với giá nước sạch cung cấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chỉ khoảng 7 đến 8 nghìn đồng/khối). Giá nước sinh hoạt người ta bán “chát chúa” như thế, nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc phải chấp nhận. Những ngày nắng nóng, hoặc những dịp lễ tết các gia đình có con cháu từ thành phố tập trung về thì khó khăn, khổ sở không nói đâu cho hết” – ông Tiến, cư dân xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch than thở.

Theo ông Khương Văn Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, việc thiếu nước sinh hoạt diễn ra trên địa bàn đã khiến đời sống cư dân rất vất vả. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân.

“Có thể kể đến như rác thải gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước sạch, tình trạng bê tông hóa đường giao thông, ao hồ bị san lấp nhiều để làm nhà, trồng cây. Ngoài ra thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít, đã khiến nguồn nước ngầm bị ảnh hưởng. Hiện tại, địa phương đã có báo cáo đến UBND huyện Lập Thạch và UBND tỉnh Vĩnh Phúc để nhanh chóng tìm ra các giải pháp khắc phục, để người dân địa phương có đầy đủ nước sinh hoạt” – ông Khương Văn Hiền chia sẻ.

Ông Khương Văn Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch: "Nước ngầm cạn kiệt khiến hệ thống giếng khơi giếng khoan cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn không còn nước, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cư dân trên địa bàn". 
Ông Khương Văn Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch: "Nước ngầm cạn kiệt khiến hệ thống giếng khơi giếng khoan cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn không còn nước, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cư dân trên địa bàn". 

Theo lãnh đạo xã Tiên Lữ, địa phương có 1.617 hộ dân, trong đó có mặt ở địa phương là 1.530 hộ với 5.753 nhân khẩu, số hộ đi làm ăn xa là 87 hộ. Đến thời điểm hiện tại, nguồn nước sinh hoạt của nhân dân sống tại địa phương vẫn chủ yếu là nước giếng khơi, mà nước ngầm cạn kiệt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cư dân.   

Cần triển khai các giải pháp cấp bách

Sáng 30/5 trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị về triển khai các giải pháp cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, ông Hoàng Long Biên, Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch khẳng định, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, đang tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho người dân trong vấn đề thiếu nước sinh hoạt theo chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh.

“Nhiệm vụ cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các xã nông thôn được UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo thực hiện. Công tác triển khai dự án cấp nước đã góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, tại một số địa phương ví dụ như Lập Thạch, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân hiện tại là rất cấp thiết” – ông Hoàng Long Biên nói.

Về giải pháp cụ thể, lãnh đạo UBND huyện Lập Thạch cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc tại văn bản số 3803/UBND-CN3 ngày 23/5, các sở ngành địa phương liên quan hiện đang tăng cường công tác quản lý nhà nước về cấp nước sạch trên địa bàn. Trong đó, tập trung giải quyết các khó khăn vướng mắc trong triển khai dự án cấp nước, đôn đốc chủ đầu tư dự án cấp nước hoàn chỉnh dự án, đầu tư xây dựng nâng cấp công suất cấp nước, mở rộng đường ống cấp nước theo quy định.

“Hiện tại, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đang giao Sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì, phối hợp cùng Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng các cơ quan liên quan, khẩn trương đề xuất công tác thu hút đầu tư dự án cấp nước đối với các xã chưa có mạng lưới đường ống cấp nước… Đồng thời xem xét đề xuất chủ trương đầu tư dự án cấp nước của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng cấp nước Vĩnh Phúc tại các xã trên địa bàn huyện Lập Thạch, báo cáo UBND tỉnh để triển khai ngay dự án. Trong trường hợp đặc biệt cấp thiết, xem xét đề xuất triển khai dự án khẩn cấp,” – ông Hoàng Long Biên, Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch thông tin.  

Được biết, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng giao các huyện thành phố trên cơ sở tổng hợp nhu cầu nước sạch tại các xã, tiến hành ký thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước đối với các nhà đầu tư, chỉ đạo công tác GPMB đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng nước sạch và bảo vệ nguồn nước sạch và công trình nước sạch.