Vĩnh Phúc: duy trì xu hướng phục hồi và phát triển kinh tế xã hội
Tăng trưởng GRDP đạt mức cao nhất trong 20 tháng qua
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tính chung 9 tháng đầu năm, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,95%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 20 tháng qua, đưa địa phương đứng thứ 20/63 cả nước và đứng thứ 8/11 vùng Đồng bằng sông Hồng.
Các chỉ số kinh tế của tỉnh tiếp tục ổn định, tăng khá so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt; an sinh xã hội được bảo đảm. Hầu hết các chỉ số trong tháng 9 và cả 9 tháng năm 2024 đều tăng và ở mức tốt so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2024 ước tính đạt 20.535 tỷ đồng, bằng 64,60% dự toán, tăng 8,30% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nội địa đạt khoảng 16.860 tỷ đồng, bằng 63,90% dự toán và tăng 9,80% so với cùng kỳ năm trước. Thu xuất nhập khẩu đạt 3.675 tỷ đồng, bằng 62% dự toán, tăng 2,10% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng chi ngân sách 9 tháng là 12.268 tỷ đồng (chưa bao gồm chi tạm ứng các dự án xây dựng cơ bản…), đạt 57,30% dự toán, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước.
Kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài vượt 26,99% kế hoạch giao đầu năm
Về thương mại, dịch vụ, tháng 9/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 6.919,7 tỷ đồng, tăng 1,84% so với tháng trước và 12,36% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ đạt 58.288,5 tỷ đồng, tăng 9,01% so với cùng kỳ.
Hoạt động ngân hàng ổn định với tổng huy động vốn đạt 130,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,15%; tổng dư nợ cho vay ước đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,51% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức an toàn và có xu hướng giảm, ước đạt 1,45 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,05% tổng dư nợ).
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,05 tỷ USD, tăng 12,58%; kim ngạch nhập khẩu đạt 13,55 tỷ USD, tăng 26,37% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, tính đến ngày 15/9/2024, tỉnh đã thu hút được 20 dự án DDI (đầu tư trong nước) với tổng vốn đăng ký đạt 4.640,18 tỷ đồng.
Khu vực FDI (đầu tư nước ngoài), tỉnh đã cấp phép cho 58 dự án với tổng vốn đăng ký là 507,94 triệu USD, vượt 26,99% kế hoạch giao đầu năm (400 triệu USD).

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Vĩnh Phúc cũng gặp nhiều thách thức. Tăng trưởng chưa bền vững, sức ép cạnh tranh và chi phí sản xuất tăng cao. Thị trường tài chính, tiền tệ và hệ thống ngân hàng vẫn tiềm ẩn rủi ro. Thị trường bất động sản phục hồi chậm.
Tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Thủ tục hành chính tuy đã được cải thiện nhưng một số lĩnh vực vẫn còn chậm trễ, cần có sự nỗ lực hơn từ các cấp chính quyền và địa phương.

Vĩnh Phúc: nan giải việc cung cấp đất san lấp phục vụ các dự án
Kinhtedothi-Tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường (đất san lấp) đang ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn. Nhằm giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp tháo gỡ.
Vĩnh Phúc: dồn lực đầu tư các công trình tạo điểm nhấn phát triển du lịch
Kinhtedothi - Vĩnh Phúc đã và đang tập trung nguồn lực để đầu tư các công trình trọng điểm tạo điểm nhấn phục vụ cho phát triển du lịch, với tổng vốn các công trình trọng điểm là 2.193 tỷ đồng, chiếm 93,1% vốn ngân sách tỉnh đầu tư vào du lịch.

Vĩnh Phúc: bầu Phó Chủ tịch HĐND và Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Kinhtedothi - Ngày 18/10, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp chuyên đề kiện toàn nhân sự của hệ thống chính trị và thông qua một số nghị quyết quan trọng.