Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm còn thấp
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư công tỉnh Vĩnh Phúc được giao năm 2024 là hơn 7.895 tỷ đồng, trong đó, vốn Trung ương giao hơn 7.776 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh giao bổ sung là hơn 118,8 tỷ đồng.
Trong 9 tháng năm 2024, cấp tỉnh đã phê duyệt quyết định đầu tư 3 dự án, với tổng mức đầu tư 98 tỷ đồng. Cấp huyện, xã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 21 dự án, tổng mức đầu tư trên 188,5 tỷ đồng; phê duyệt quyết định đầu tư cho 67 dự án, tổng mức đầu tư là 559 tỷ đồng, chủ yếu là các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm, cấp tỉnh đã phân bổ chi tiết hơn 4.462 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch giao cho 44 dự án hoàn thành, quyết toán và 100 dự án chuyển tiếp năm 2024; cấp huyện, cấp xã phân bổ hơn 3.433 tỷ đồng cho các công trình, dự án, đạt 100% kế hoạch vốn do tỉnh giao.
Tính đến ngày 15/9/2024, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giải ngân được trên 3.998 tỷ đồng, bằng 51,4% so với kế hoạch vốn Trung ương giao và bằng 48,4% tổng số vốn kế hoạch năm. Trong đó, cấp tỉnh giải ngân đạt 32,5% kế hoạch giao; cấp huyện, xã giải ngân đạt 70,8%, và tất cả 5 ban quản lý dự án đều có tỷ lệ giải ngân thấp, chưa đạt 40%.
Ở cấp huyện, Bình Xuyên là địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất, đạt 97,6%; tiếp theo là huyện Yên Lạc đạt 90,5%; thành phố Vĩnh Yên đạt 74,3%; huyện Lập Thạch đạt 73,8%; huyện Sông Lô đạt 67,3%; huyện Vĩnh Tường đạt 62,4%. Thành phố Phúc Yên là địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất tỉnh, mới đạt 48,7%.
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công của Vĩnh Phúc còn thấp được xác định là do trong những tháng đầu năm, các nhà thầu tập trung thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án còn gặp nhiều khó khăn do thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng chậm trễ, kéo dài.
Một số dự án chưa có tên hoặc chưa đủ chỉ tiêu sử dụng đất trong danh mục quy hoạch được duyệt, phải thực hiện thủ tục cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 của cấp huyện. Ngoài ra, vốn bổ sung từ ngân sách địa phương cho chi đầu tư công năm 2024 đến nay chưa được phân bổ, dẫn đến nhiều công trình chưa được giao vốn để thực hiện; nhiều dự án khan hiếm về nguồn vật liệu đất đắp…
Để giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95%, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông đề nghị các cấp, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo về đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh quyết toán vốn. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công; thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đấu thầu, tăng cường giám sát, kiểm tra nhà thầu trong thi công dự án.
Văn phòng UBND tỉnh sớm đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh kiện toàn Tổ công tác đặc biệt về giải ngân vốn đầu tư công, định kỳ hàng tháng họp kiểm điểm tiến độ thực hiện giải ngân nguồn vốn.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước theo dõi, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh các dự án cần điều chỉnh, điều chuyển vốn. Sở Tài chính phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các huyện, thành phố đánh giá khả năng hoàn thành đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn lực cho đầu tư công. Các ban quản lý dự án, UBND các huyện, thành phố xây dựng rõ lộ trình giải ngân theo từng tháng; tăng cường giám sát hồ sơ quyết toán, các công trình, dự án đầu tư.
Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, cơ quan chuyên môn cấp huyện tiếp tục hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện các nội dung theo quy định của pháp luật về xây dựng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các dự án.
Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước chủ động tháo gỡ các khó khăn cho việc thanh quyết toán các dự án hoàn thành, bảo đảm tiến độ giải ngân nguồn vốn. UBND các huyện, thành phố tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án. Phấn đấu đến ngày 30/10/2024 giải ngân tối thiểu 70% kế hoạch giao; đến ngày 30/11/2024, giải ngân tối thiểu 90% và đến 31/12/2024 giải ngân trên 95%.