Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vĩnh Phúc: Sản xuất công nghiệp gặp khó khăn, nhiều chỉ tiêu suy giảm

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin về tình hình phát triển kinh tế xã hội quý I/2024 trên địa bàn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp đối diện nhiều khó khăn thách thức, dẫn đến nhiều chỉ số có dấu hiệu sụt giảm so với trước kia.

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc quý I/2024 đối diện nhiều khó khăn thách thức. Ảnh minh họa Sỹ Hào.
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc quý I/2024 đối diện nhiều khó khăn thách thức. Ảnh minh họa Sỹ Hào.

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp giảm, và chỉ số tồn kho tháng 3 tăng

Cụ thể, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, quý I/2024 các hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức - giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, tạo áp lực lên kiểm soát lạm phát.

Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng chưa tương xứng với mức giảm của lãi suất huy động; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của nước ta tiếp tục suy giảm…

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 03/2024 tăng 25,73% so với tháng trước, nhưng lại giảm 3,16% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ, ngành khai khoáng tăng 25,59%, nhưng thực tế đây không phải là ngành chủ lực của tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong khí đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,17% so với cùng kỳ năm 2023; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 4,68%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 7,84%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 03/2024 giảm 3,16% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Sỹ Hào. 
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 03/2024 giảm 3,16% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Sỹ Hào. 

Quý I/2024, ước tính chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,67% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,63% và chỉ số tồn kho tháng 3 tăng 9,19% cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Sản lượng sản xuất ô tô và xe máy giảm

Về sản lượng sản xuất của nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh Vĩnh Phúc trong quý I/2024 cũng có dấu hiệu giảm mạnh, cụ thể: sản lượng ô tô ước tính đạt 6,735 nghìn xe, giảm 22,75% so với cùng kỳ năm trước. Đây là ngành sản xuất chịu nhiều tác động của nền kinh tế trong và ngoài nước.

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, thị trường tiêu thụ các sản phẩm ô tô trong quý I/2024 kém sôi động, nguyên nhân chủ yếu do kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút nên người dân hạn chế mua sắm tài sản có giá trị lớn; cùng với chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ đã hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024 cũng là nguyên nhân khiến người dân hạn chế mua ô tô trong thời gian này.

Sức mua của thị trường ở mức thấp trong khi lượng xe tồn kho còn nhiều nên các doanh nghiệp trong ngành là Toyota, Honda đã phải giảm sản lượng để cân đối giữa sản xuất và nhu cầu của thị trường, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 3 và quý I/2024 của ngành giảm khá sâu so với cùng kỳ năm 2023.

Sản lượng xe máy ước tính đạt 371.000 xe, giảm 2,87%; trong kỳ, để kích cầu tiêu dùng, nâng cao sức mua, đẩy mạnh lượng xe tiêu thụ và gia tăng doanh số, các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục đưa ra thị trường nhiều mẫu xe mới với thiết kế hiện đại, công nghệ tiên tiến với nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá (hỗ trợ lệ phí đăng ký, tặng voucher, tặng quà...).

Tuy nhiên, do thị trường xe máy tại nước ta hiện nay ở ngưỡng bão hòa trong khi một bộ phận người dân chuyển sang sử dụng ô tô hoặc xe điện thay thế các dòng xe sử dụng động cơ đốt trong, nên sức mua thấp, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xe máy cũng giảm.

Một tín hiệu vui là doanh thu dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử quý I/2024 ước tính đạt 17,8 nghìn tỷ, tăng 13,49% so cùng kỳ năm 2023; Quý I/2024, một số doanh nghiệp trong ngành đã thực hiện di chuyển các công đoạn sản xuất từ các nhà máy ở Hàn Quốc và Trung Quốc về Việt Nam nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, cắt giảm tối đa chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, một số hãng công nghệ lớn đã đưa ra thị trường các dòng sản phẩm điện thoại thông minh, máy tính bảng mới với nhiều thay đổi trong thiết kế phần cứng và phần mềm, thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng.

Nhờ đó, các doanh nghiệp sản xuất và hỗ trợ điện tử trên địa bàn tỉnh đã có thêm được nhiều đơn hàng, góp phần ổn định việc làm cho người lao động, phát triển hoạt động sản xuất, gia tăng doanh thu và duy trì sự tăng trưởng cho ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.

Cụm Công nghiệp Đồng Sóc tại tỉnh Vĩnh Phúc được đầu tư thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất công nghiệp sạch, thân thiện môi trường. Ảnh: Ngân Khánh. 
Cụm Công nghiệp Đồng Sóc tại tỉnh Vĩnh Phúc được đầu tư thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất công nghiệp sạch, thân thiện môi trường. Ảnh: Ngân Khánh. 

Để phấn đấu đạt được mục tiêu kinh tế xã hội năm 2024 đã đề ra, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung quyết liệt triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2024 - đôn đốc đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các KCN đã đi vào hoạt động và các KCN mới có quyết định thành lập.

Giám sát chặt chẽ các chủ đầu tư hạ tầng về năng lực và cam kết triển khai dự án, từ đó có biện pháp xử lý, kiên quyết thu hồi hoặc tìm kiếm nhà đầu tư mới đủ năng lực tiếp tục thực hiện dự án hoặc điều chỉnh quy hoạch giảm diện tích KCN.

Tổ chức thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn 2022-2026; thực hiện Nghị quyết về phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đến năm 2030 và Quy chế quản lý cụm công nghiệp.